Thứ 6, 26 Tháng 4 2024 Hà Nội °C

“Chẳng ai nhớ người về nhì cả.” – Jack Nicklaus

Kỹ thuật chơi

HLV Phạm Minh Đức giải thích đầy đủ lý do tại sao đường bóng lại cong?

HLV Phạm Minh Đức giải thích đầy đủ lý do tại sao đường bóng lại cong?

Golfedit.com - Không ít golfer đến với các sân tập hàng ngày với mục đích điều chỉnh kĩ thuật để đường bóng của mình thẳng và ổn định hơn. Một đường bóng cong dù là hook hay slice, draw hay fade đều chưa chắc đã là một đường bóng không tốt, nếu người chơi có khả năng bù trừ hay chủ ý thực hiện cú đánh đó. Thực tế một đường bóng cong nhiều khi lại là lợi thế khi tiếp cận với các bề mặt green không bằng phẳng, và vì thế chúng ta cũng hay thấy các golfer chuyên nghiệp chủ động biến hóa đường bóng của mình trong các tình huống khác nhau. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vì sao đường bóng lại cong với một cách phân tích khoa học nhất.

Độ Xoáy Bóng

Một đường bóng bay lên sẽ luôn đi kèm với một độ xoáy nhất định, phụ thuộc vào tốc độnăng lượng truyền vào bóng của đầu gậy. Độ xoáy đó phụ thuộc nhiều vào độ mở (loft) của mặt gậy và với độ mở càng nhiều thì năng lượng sẽ càng được chuyển thành độ xoáy. Độ xoáy đó vẫn thường được chúng ta biết đến với khái niệm xoáy ngược (backspin). 

Khi đường bóng bay lên với trục xoáy ngược dựng theo phương thẳng đứng, đường bóng sẽ bay thẳng và bất cứ khi nào trục xoáy này bị lệch sang trái hoặc phải thì đường bóng sẽ cong.

Nguyên nhân đầu tiên mà cũng là khách quan nhất có thể thay đổi trục xoáy đó chính là gió. Một đường bóng bay lên với độ xoáy nhiều hay thời gian trên không cao sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi gió, đặc biệt khi gió thổi tạt ngang. Khi gió không đủ mạnh hoặc thời gian để thay đổi trục xoáy mà đường bóng vẫn cong thì có nhiều khả năng các yếu tố chủ quan của cú swing đã làm thay đổi điều đó. Khi này chúng ta sẽ cần nhắc tới cả hai trường hợp khi bóng tiếp xúc chính giữa mặt gậy và khi tiếp xúc lệch tâm.

Đầu gậy đi và hướng mặt gậy

Với những cú đánh trúng chính giữa mặt gậy mà đường bóng vẫn cong thì nguyên nhân làm thay đổi trục xoáy là sự chênh lệch giữa hai yếu tố quan trọng là hướng di chuyển của đầu gậy (club path)hướng mặt gậy (face angle) tại thời điểm tiếp xúc với bóng.

Trong đó hướng di chuyển của đầu gậy được xem như hướng di chuyển sang bên phải hay trái mục tiêu tại thời điểm tiếp xúc bóng. Việc đầu gậy di chuyển sang phía bên phải mục tiêu (với golfer tay phải) vẫn được chúng ta hiểu là hướng di chuyển từ trong ra ngoài, trong khi đó hướng từ ngoài vào trong được hiểu khi đầu gậy di chuyển về phía bên trái mục tiêu.

BallFlight02

Yếu tố thứ hai là hướng mặt gậy được dùng để chỉ hướng của mặt gậy tại thời điểm tiếp xúc với bóng. Mặt gậy được coi là mở khi chỉ sang hướng bên phải mục tiêu và được coi là đóng khi chỉ sang hướng bên trái mục tiêu (với các golfer tay phải).

BallFlight03

Hướng di chuyển của đầu gậy và hướng mặt gậy là hai yếu tố độc lập và chính sự chênh lệch giữa hai yếu tố này sẽ làm thay đổi trục xoáy của đướng bóng. Để dễ hình dung chúng ta hãy xem hai ví dụ minh họa dưới đây.


BallFlight

Trong ví dụ ở trên chúng ta có thể thấy tại thời điểm tiếp xúc với bóng đầu gậy đang có hướng di chuyển sang bên phải mục tiêu 2.3 độ, trong khi đó mặt gậy lại gần như hướng thẳng về mục tiêu khi chỉ đang mở về bên phải mục tiêu 0.6 độ. Điều này dẫn đến kết quả mặt gậy đang đóng so với hướng di chuyển của đầu gậy 1.7 độ (được kí hiệu -1.7) và vì thế kết quả là một đường bóng draw từ phải sang trái.

BallFlight01

Tương tự như vậy trong ví dụ 2 chúng ta thấy tại thời điểm tiếp xúc với bóng đầu gậy di chuyển gần như thẳng về hướng mục tiêu (từ trong ra ngoài 0.2 độ), nhưng do tại thời điểm đó mặt gậy đang hướng sang phía bên phải mục tiêu (mở 1.6 độ) dẫn đến kết quả mặt gậy mở 1.4 độ so với hướng di chuyển của đầu gậy và khi này đướng bóng sẽ cong ngược lại từ trái sang phải.

Như vậy với những cú đánh trúng giữa mặt gậy sự chênh lệch giữa hướng di chuyển của đầu gậy và mặt gậy càng lớn tại thời điểm tiếp xúc thì đường bóng sẽ càng dễ cong do trục xoáy bị thay đổi. Trong những trường hợp này ngay cả khi đầu gậy di chuyển theo hướng từ trong ra ngoài thì đường bóng vẫn có thể fade hay slice nếu mặt gậy mở nhiều hơn so với hướng di chuyển đó và ngược lại.
Ngay cả khi đầu gậy và mặt gậy đều di chuyển về một hướng và không có sự chênh lệch đường bóng vẫn có thể cong. Khi này nguyên nhân đến từ việc tiếp xúc không trúng chính giữa mặt gậy, đặc biệt với các gậy có trọng tâm cách xa mặt gậy như driver hay các cây gậy gỗ.

Với những cú đánh không trúng tâm, tiếp xúc giữa bóng và gậy sẽ tạo một hiệu ứng được hiểu như hiệu ứng bánh răng (gear effect). Khi đó mặt gậy sẽ có xu hướng di chuyển lệch sang một hướng và đường bóng sẽ có xu hướng xoáy theo chiều ngược lại.

BallFlight04

Khi trọng tâm của gậy càng xa mặt gậy thì ảnh hưởng của hiệu ứng này càng nhiều. Chính vì thế gậy driver sẽ ảnh hưởng tới trục xoáy của bóng nhiều hơn so với gậy sắt nếu cùng tiếp xúc lệch một bên, do gậy sắt có thiết kế mỏng và bé hơn nhiều nên trọng tâm luôn nằm sát mặt gậy. Đây cũng chính là lí do tại sao mặt gậy driver được thiết kế không phẳng bởi khi hiệu ứng xảy ra do tiếp xúc không trúng tâm, bề mặt cong sẽ giúp đường bóng xoáy theo chiều hướng về phía mục tiêu nhiều hơn. Nói một cách khác ngay cả khi đánh không chính giữa đường bóng sẽ đi lệch mục tiêu ít hơn.

Khi này bóng sẽ rời mặt gậy với trục xoáy không thẳng và sẽ dẫn đến đường bóng cong.

Mặc dù nhiều golfer không thực sự hài lòng với đường bóng cong của mình, đôi khi chính các đường bóng cong lại dễ kiểm soát hơn và có nhiều cơ hội lăn về phía cờ hơn các đường bóng thẳng. Tại các giải đấu lớn chúng ta cũng thường thấy các golfer chuyên nghiệp sử dụng các đường bóng cong và cao thấp khác nhau tùy theo địa hình để đưa bóng về vị trí tốt nhất. Để biết chắc chắn tại sao đường bóng của bạn lại chưa được như ý muốn hãy đến gặp các huấn luyện viên chuyên nghiệp để có được cách khắc phục hiệu quả nhất.

Thông tin về HLV Phạm Minh Đức:

Bắt đầu chơi golf từ năm 13 tuổi, khi đó Phạm Minh Đức đã nhanh chóng bộc lộ đam mê của mình mới môn thể thao này. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam với handicap 4 anh đã lên đường sang Australia và theo học chuyên ngành Quản lý thể thao tại trường đại học Griffith và Quản lý sân golf tại học viện PGA International Golf Institute.

Sau khi tốt nghiệp năm 2008 và đứng đầu bảng tổng điểm Order of Merit tại PGA International Golf Institute, anh đã quyết định ở lại và luyện tập với mục tiêu được nhận vào chương trình thực tập chuyên nghiệp đào tạo hội viên của PGA Academy. Đón nhận tin vui cuối năm 2010 khi là một trong hơn 20 người qua vòng thi tuyển, anh bắt đầu sự nghiệp của mình và về nhì tại giải đấu đầu tiên với tư cách chuyên nghiệp Palm Meadows Pro-am đầu năm 2011. Tuy không có nhiều đam mê cho thi đấu nhưng anh cũng đã có 4 lần lọt vào top 5 tại các giải đấu Pro-am mùa giải 2011.

Trong suốt quá trình đào tạo anh đã làm việc tại một trong những sân golf hàng đầu bang Queensland là Royal Pines Resort và cũng luyện tập với người thầy lâu năm Mark Gibson – chủ tịch PGA Australia, tại đây. Bốn năm làm việc tại Royal Pines Resort đã giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều hành quản lý sân golf cũng như tiếp cận những phương pháp tập luyện hiệu quả và có hệ thống.

Về Việt Nam năm 2012 anh chính thức bắt đầu các chương trình dạy golf tại Hà Nội và trở thành Titleist Club Fitting Manager tại Việt Nam. Hiện tại anh là Giám Đốc trung tâm Pure Performance Coaching Center tại sân tập Mỹ Đình Pearl với mong muốn đào tạo golf một cách cơ bản và khoa học nhất cũng như phát triển golf lâu dài tại Việt Nam.

Golfedit.com (Bài viết độc quyền của HLV Phạm Minh Đức trên GolfEdit)

Tin liên quan: Kỹ thuật chơi

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi