Thứ 4, 20 Tháng 11 2024

“Trong tất các chướng ngại vật, sợ hãi là tệ nhất.” – Sam Snead

Kiến thức
GolfEdit GolfEdit
September 21, 2021, 17:10 pm

Thiết lập kỹ thuật sân ở Ryder Cup

Thiết lập kỹ thuật sân ở Ryder Cup

Whistling Straits là sân có thiết kế theo phong cách sân links, bởi cặp vợ chồng huyền thoại quá cố Pete và Alice Dye, nằm dọc bờ hồ Michigan với chiều dài 7790 yards, par-72, course rating 77.2 và slope rating 152.
 
Whistling Straits là sân nhà của 3 giải PGA Championship vào các năm 2004, 2010 và 2015.
  • Năm 2004, nhà vô địch là Vijay Singh sau khi thắng playoff Justin Leonard và Chris DiMarco. Sau thành công lớn của giải, đặc biệt là về mặt tài chính, vào đầu năm 2005, Whistling Straits đã được PGA of America chọn làm sân nhà của giải Ryder Cup 2020.
  • Năm 2010, Martin Kaymer đã lên ngôi sau khi vượt qua Bubba Watson ở loạt playoff.
  • Năm 2015, Jason Day là nhà vô địch với điểm số -20, lập kỉ lục điểm âm tốt nhất trong lịch sử các giải major. Kỉ lục này sau đó đã được cân bằng bởi Henrik Stenson ở The Open 2016 và Dustin Johnson ở The Masters 2020.
1 đặc điểm nổi bật của Whistling Straits là sân có rất nhiều bẫy cát (bunker), nhiều đến nỗi người của sân không thể biết được số lượng chính xác. Trước giải PGA Championship 2010, Ron Whitten của tạp chí Golf Digest đã bỏ ra 2 ngày, mỗi ngày 11h để đếm và đi đến con số 967 bunker. Trước giải PGA Championship 2015, Ron Whitten lại đo một lần nữa và con số tăng lên thành 1012 bunker, hay trung bình là 56 bunker/hố.
 
Tình huống luật gây tranh cãi nhất qua các giải major ở sân Whistling Straits cũng liên quan đến 1 trong các bunker nói trên. Ở hố cuối cùng của giải PGA Championship 2010, Dustin Johnson đã chạm gậy xuống cát trong bunker (mà anh không nghĩ là bunker), bị phạt 2 gậy và mất cơ hội tham dự loạt playoff.
 
WhistlingStraits21
 
Thiết lập kỹ thuật sân (Course setup)
 
Ngoài yếu tố khán giả, một lợi thế lớn của đội chủ nhà ở các giải Ryder Cup là sân thi đấu. Do là giải được đồng tổ chức bởi PGA of America và Ryder Cup Europe (bao gồm đại diện của European Tour, the PGA of Great Britain & Ireland và the Confederation of Professional Golf), về lí thuyết thì Hội Đồng Giải/ Ban Tổ Chức sẽ đảm trách các công tác thiết lập kỹ thuật sân (course setup) và điều hành giải. Tuy nhiên, đội trưởng của đội chủ nhà có thể có nhiều ảnh hưởng và tác động đến course setup của các sân Ryder Cup, bao gồm các thông số như là chiều cao cỏ rough, chiều rộng fairway, tốc độ green.
 
Việc thiết lập kỹ thuật sân để mang lại lợi thế cho một đội được dựa trên các khác biệt chính (nói chung) trong lối chơi của các golfer Mỹ và châu Âu, như là:
  • Khoảng cách: nhìn chung thì các golfer Mỹ có khả năng phát bóng xa hơn nhưng độ chính xác (vào fairway) thấp hơn so với các golfer châu Âu. Ngược lại, các golfer châu Âu phát bóng ngắn hơn nhưng thẳng hơn & chính xác hơn.
  • Green: các golfer Mỹ thường quen với green có tốc độ nhanh, trong khi golfer châu Âu thường quen với green có tốc độ chậm hơn.
Ở giải Ryder Cup 2008 trên sân Valhalla Golf Club, Kentucky, Mỹ, đội trưởng đội Mỹ lúc đó là Paul Azinger đã yêu cầu thiết lập kỹ thuật sân như sau:
  • Tee box: khoảng cách tính từ tee box qua hết các fairway bunker (bunker carry distance) là 300 yards.
  • Rough: rough rất cao và khó từ tee box cho đến khoảng cách 300 yard kể từ tee; còn từ 300 yard trở đi, rough rất ngắn, gần như không có.
  • Thậm chí sân còn cắt đi 2 cây lớn để tạo điều kiện cho lối đánh của J.B Holmes – 1 thành viên của đội Mỹ.
Với course setup nói trên, 6-7 golfer “tay to” Mỹ trong đội dễ dàng carry các fairway bunker với các cú phát bóng, và trong trường hợp lệch khỏi fairway, bóng cũng rơi vào vùng cỏ rough thấp để họ dễ dàng đánh lên green. Năm đó, đội Mỹ thắng 16.5 – 11.5.
 
Tương tự thì ở giải Ryder Cup 2016 trên sân Hazeltine, Minesota, Mỹ, đội trưởng Mỹ là David Love III đã yêu cầu thiết lập kỹ thuật sân để gần như không có cỏ rough, tăng khả năng có nhiều birdie. Năm đó đội Mỹ thắng 17 – 11.
 
Ở phía bên kia, đội châu Âu cũng không kém cạnh. Năm 2002, đội trưởng của họ là Sam Torrance cũng yêu cầu setup sân The Belfry, Anh để cỏ rough cao và rất khó ở khoảng cách xa hơn 285 yard (kể từ tee box), vừa qua khỏi các fairway bunker, ngược lại với cách setup của Azinger ở trên. Năm đó đội châu Âu thắng 15.5 – 12.5. Đội trưởng Ian Woosman cũng làm điều tương tự ở giải năm 2006 trên sân K Club, Ireland. Năm đó đội châu Âu thắng 18.5 – 9.5.
 
Ở giải gần đây nhất vào năm 2018 trên sân Le Golf National, Pháp, với fairway vốn đã hẹp, đội trưởng Thomas Bjorn còn yêu cầu để cỏ rough cao hơn và green chậm (so với các sân ở PGA Tour), và kết quả là đội châu Âu đã thắng với tỉ số chung cuộc 17.5 – 10.5.
 
Tuy nhiên, không phải các đội trưởng có toàn quyền quyết định đến course setup. Quy luật bất thành văn của giải Ryder Cup là đội trưởng chủ nhà có thể tác động đến course setup cho đến cuối tuần cuối cùng trước giải. Sau đó, việc này sẽ do BTC phụ trách. Ở giải năm nay, từ đầu tuần này, Harry Keigh – người phụ trách course setup của PGA of America và người phụ trách của Ryder Cup Europe sẽ đảm trách các công việc liên quan đến course setup, bao gồm việc chọn các vị trí cờ (hole location) cho các ngày thi đấu.
 
Với việc Wisconsin, nơi có sân Whistling Straits, là bang nhà của đội trưởng Steve Stricker, chắc chắn là ông đã có nhiều tác động đến thiết lập kỹ thuật sân trong thời gian qua. 
 
GolfEdit.com
 
6