Thứ 2, 16 Tháng 6 2025

"Thành công của golf game phụ thuộc vào sức mạnh của trí óc và tính cách hơn là sức mạnh của cơ thể." - Arnold Palmer

Góc nhìn
GolfEdit GolfEdit
June 07, 2025, 22:33 pm

U.S. Open 2025: Không có chỗ cho những tay golf nóng giận

U.S. Open 2025: Không có chỗ cho những tay golf nóng giận

Theo nhà tâm lý học kiêm tác giả Marc Brackett, sự tức giận phản ánh "những bất công trong nhận thức". Định nghĩa này không ám chỉ riêng những cú đánh hỏng hay putt trượt khỏi green, nhưng đúng là nhiều golfer phải vật lộn với cảm giác bị đối xử bất công tại U.S. Open. Họ không chỉ thất vọng về bản thân - họ giận dữ vì cho rằng sân golf được thiết kế để chống lại họ.

"Khi một giải đấu phụ thuộc vào may rủi, hay những tình huống ngẫu nhiên, đó là điều không ổn và chúng ta đang ở mức đó rồi", Zach Johnson phát biểu tại U.S. Open 2018 ở Shinnecock Hills.

Ryan Moore năm 2010 chỉ trích USGA: "Thay vì tạo ra thử thách, họ cố tình bày trò mẹo. Họ muốn tạo ra màn trình diễn, khiến vài hố golf trở nên kỳ quặc và biến các tay golf thành trò hề."

Nếu đã rõ cách bố trí khắc nghiệt của USGA tại Oakmont sẽ kích động nhiều golfer, câu hỏi đáng quan tâm hơn là: liệu sự tức giận có giúp ích gì không? Lịch sử cho thấy điều ngược lại. Những khoảnh khắc nổi tiếng như Jon Rahm quăng gậy chửi thề ở Erin Hills, hay Phil Mickelson đánh bóng khi nó còn đang lăn ở Shinnecock, đều đến từ các tay golf sắp bị loại. Có thể họ tức giận vì chơi tệ - nhưng cũng có khả năng họ chơi tệ vì quá tức giận.

Brackett - Giám đốc Trung tâm Trí tuệ Cảm xúc Yale - viết trong sách "Permission To Feel": "Sự tức giận có vẻ vô cớ, nhưng hầu hết là phản ứng trước điều ta cho là bất công. Dù lớn hay nhỏ, nó khiến ta phát điên."

Điều khiến cơn giận trở nên nguy hiểm trong golf là nó gia tăng sự bất ổn vốn có của môn thể thao này. Đa số chấp nhận rằng golf phụ thuộc vào may rủi, nhưng họ tin rằng kỹ thuật và chiến thuật tốt sẽ mang lại kết quả khả quan.

Nhưng tại U.S. Open, niềm tin đó lung lay. Không phải kỹ năng không quan trọng - nếu vậy danh sách vô địch đã gồm toàn tay golf vô danh. Nhưng khi green đẩy bóng khỏi những cú approach tử tế, hay phát bóng lệch vài yard biến mất vào rough dày, người ta bắt đầu nghĩ rằng kỹ năng là chưa đủ. Golfer khó lòng vừa phản đối cách bố trí sân, vừa đủ tập trung để xoay xở.

Chuyên gia tâm lý thể thao Bhrett McCabe nhận định: "Oakmont là ví dụ điển hình - khi cảm thấy bị xúc phạm, tức giận, họ sẽ lên tiếng vì cần giải tỏa mâu thuẫn trong đầu. Đôi khi có cách giải quyết, nhưng thực chất họ đang nói rằng họ không tin mình có kế hoạch vượt qua thử thách. Đó chính là cái bẫy."

Cái bẫy không nằm ở sự tức giận, mà ở cảm giác bất lực đằng sau nó. Nếu một golfer phẫn nộ vị trí đặt cờ, đừng bảo họ phải chấp nhận. Nhưng họ cần tránh phản ứng thái quá.

Brackett chia sẻ: "Bạn cảm thấy gì không quan trọng. Quan trọng là cách bạn phản ứng. Bạn có thể vừa tức giận vừa làm tốt."

Ở môn thể thao khác, điều này đơn giản hơn. Như Brackett lưu ý, tức giận là cảm xúc năng lượng cao - lý do một cầu thủ bóng bầu dục giận dữ sẽ tackle mạnh hơn. Ngay cả trong golf, đôi khi sau cú putt 3 gậy ở hố trước, bạn đứng dậy và phát bóng xa nhất ngày. Nhưng golf đòi hỏi nhiều hơn adrenaline - cảm xúc năng lượng cao cũng khiến bạn khó suy nghĩ chiến thuật hoặc putt 2 gậy từ khoảng 50 feet.

Để giải quyết, các chuyên gia như Brackett và McCabe khuyên nên nhận diện cảm xúc để kiểm soát chúng. "Gọi tên để kiểm soát" là thuật ngữ tâm lý phổ biến, và các nhà vô địch gần đây đều áp dụng theo cách riêng. Cú bunker dài khó nhằn ở hố 18 tại Pinehurst số 2 là khoảnh khắc định đoạt chức vô địch của Bryson DeChambeau năm ngoái, nhưng ngay trước đó, anh phải đánh bóng từ dưới gốc cây với cành cây chắn backswing. DeChambeau thừa nhận lo lắng sẽ bị thương, và rằng anh muốn ở bất cứ đâu trừ cái bunker đó - "một trong những nơi tệ nhất". Nhiều người có thể gục ngã, nhưng DeChambeau chuyển sang tập trung vào chiến thuật.

Anh tự nhủ: "Mỗi lần vào bóng, 'chỉ cần tập trung. Cậu đã làm được trước đây. Cậu có thể làm lại'."

Dù nghe đơn giản, Brackett khẳng định việc tự độngth viên như DeChambeau là công cụ thiết yếu để điều chỉnh cảm xúc. Và bạn không cần bằng tiến sĩ để hiểu tầm quan trọng của nó.

Jack Nicklaus - 4 lần vô địch U.S. Open - viết trong cuốn "My Story" (1997): "Càng tập trung vào điều tiêu cực, chúng càng lớn dần và dễ biến thành lý do bào chữa. Tôi luôn dành năng lượng để tìm giải pháp cho tình huống khó, thay vì phàn nàn."

GolfEdit.com

9