'Lạm phát' giá Golf
Một người chơi golf có nhiều nơi để có thể tập golf như chơi golf ở nhà, ở sân tập, ở sân có các hố đấu ngoài trời hay đến trung tâm máy giả lập golf 3D. Phần lớn để có thể thoả mãn đam mê này mọi người phải đến các cơ sở dịch vụ Golf. Và đương nhiên họ sẽ phải trả phí. Với quan niệm golf là môn cho người giàu và người có điều kiện, thì đương nhiên so với môn thể thao khác, phí golf cũng tương xứng. Nhưng thực tế không phải là vì quan niệm kia do sự đúc rút từ nhiều thế kỷ với các câu chuyển lịch sử, giá phí golf cao bởi có nhiều lý do trong đó.
Chi phí vận hành
Phần lớn các cơ sở dịch vụ Golf tại Việt Nam nói riêng đều đau đầu với việc giảm chi phí vận hành. Các sân golf đều cần những diện tích bất động sản lớn, kèm theo đó là chi phí thuê mặt bằng, đất đai là rất lớn. Chưa kể chi phí bảo dưỡng chăm sóc sân bãi được coi là con số khổng lồ. Chưa kể với những bộ máy quản trị cồng kềnh, quản lý chồng chéo dẫn đều chỗ thừa chỗ thiếu. Các cơ sở kinh doanh golf vẫn thiên về dùng người nhiều hơn thay vì những đầu tư công nghệ để giảm thiểu chi phí. Hệ quả dẫn theo đó chính là sự thiếu năng suất trong cả vận hành, mất quá nhiều thời gian chi phí tiền bạc để hệ thống hoạt động. Khi chưa tinh giản được con số cốt lõi để vận hành hiệu quả, thì tất nhiên dẫn đến việc giá dịch vụ rất cao. Thậm chí để bù vào chi phí lớn đó, không ít các cơ sở kinh doanh Golf không ngừng tăng giá dịch vụ. Nhưng việc tăng đó sẽ lại vấp phải sự phản đối của khách hàng cùng với đó là một quy luật kinh tế bất biến là: giá tăng thì nhu cầu giảm.
Ảnh hưởng bởi thuế
Golf ở Việt Nam vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ. Trước khi phải chịu 10% thuế VAT thì Golf đã phải tính vào đó 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này được quy định rõ trong bảng thuế suất thuộc điều 7 - Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế tiêu thụ đặc biệt được cộng vào giá bán. Đối với dịch vụ Golf, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ bán ra chưa có thuế giá trị gia tăng gồm bán thẻ hội viên, bán vé chơi golf, bao gồm cả tiền bán vé tập golf, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe (buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi golf (caddy), tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác do người chơi gôn, hội viên trả cho cơ sở kinh doanh golf. Chú ý, cơ sở kinh doanh golf có các dịch vụ như khách sạn, ăn uống, bán hàng hóa, hoặc các trò chơi khác thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quyết định từ chủ đầu tư
Tăng giá hay không tăng giá thì cuối cùng quyết định vẫn thuộc về chủ đầu tư với bài toàn kinh tế được cân đo đong đếm. Kinh doanh đương nhiên sẽ phải vì lợi nhuận đặc biệt khi golf ở Việt Nam đang bùng nổ về số người chơi và là điểm đến thu hút đông đảo khách nước ngoài. Tuy nhiên không phải sân golf hay cơ sở dịch vụ nào cũng đông khách và thực tế không ít nơi đang thực sự gặp khó trong kinh doanh. Nhưng cũng không ít cơ sở kinh doanh mà chủ đầu tư 'đuổi đi không hết khách' do các lợi thế lớn về vị trí địa lý, dịch vụ tiện lợi và luôn có nguồn khách dồi dào. Ở những nơi như này chủ đầu tư gần như có thể áp đặt mọi điều kiện chẳng khác gì kinh doanh độc quyền.
Nhưng kinh doanh vẫn luôn phải tuân theo quy luật kinh tế nói chung khi giá phí tăng thì tức khắc sẽ có sự chuyển dịch về lựa chọn của khách hàng. Sẽ có một bộ phận người chơi sẽ tìm các lựa chọn thay thế phù hợp hơn với khả năng của mình. Nếu việc tăng giá mà kèm theo đó tăng chất lượng dịch vụ, khách hàng được nhận nhiều hơn lợi ích và được phụ vụ tốt hơn thì không phải bàn. Hay việc tăng giá để có thể hạn chế bớt lượng khách quá đông để tập trung vào chất lượng phục vụ thì đó là điều tuyệt vời. Nếu tăng giá mà chỉ vì ý chí cá nhân, tăng đơn giản chỉ là vì xung quanh đều tăng hay vì nhu cầu đang quá đông việc tăng giá này sẽ càng thu thêm nhiều tiền mà mọi thứ dịch vụ không thể cải thiện, thì việc tăng giá đó sớm muộn sẽ nhận những cái giá đắt đó chính là sự quay lưng của khách hàng.
Theo những dự đoán về kinh tế 2023 sẽ là một năm có nhiều cơ hội nhưng khó khăn là rất lớn, đó cũng là nhận định của các chuyên gia. Việc người chơi sẵn sàng chi tiền cho Golf sẽ giảm theo. Điều này rất khác so với thời điểm trở lại sau dịch bệnh Covid 19 khi ai ai cũng đang rất 'háo golf'. Do đó 2023 sẽ là năm bản lề của nền công nghiệp Golf Việt Nam. Đơn vị nào dành được niềm tin và giữ chân được khách hàng cùng nhau vượt qua thách thức, chắc chắn sẽ luôn nhận được sự ủng hộ về lâu dài.
GolfEdit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.