Chủ nhật, 24 Tháng 11 2024

“Tôi sẽ không bao giờ ghét đối thủ, nhưng cũng không bao giờ thích anh ấy cả.” – Arnold Palmer

Góc nhìn
GolfEdit GolfEdit
September 04, 2019, 7:17 am

Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo của các giải đấu tầm cỡ Asian Development Tour?

Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo của các giải đấu tầm cỡ Asian Development Tour?

Golf phong trào nghiệp dư đang nở rộ như nấm sau mưa, kéo theo sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển golf chuyên nghiệp. Thước đo sức mạnh golf cơ bản của một quốc gia thông thường được nhìn vào số lượng cũng như thứ hạng của golfer chuyên nghiệp hiện tại. Thực sự đây là câu chuyện đường dài không thể một sớm một chiều làm ngay được. Nhưng tiềm năng và cơ hội của golf chuyên nghiệp Việt Nam phát triển vươn ra tầm quốc tế là rất rõ ràng. Một hướng đi tiếp cận trước mắt khi xây dựng các giải đấu golf ở Việt Nam có quy mô và gắn kết với hệ thống Asian Developement Tour (ADT) là một gợi ý không nên bỏ qua. 

JiWPhap1

Park Ji Woon - tay golf người Hàn Quốc thi đấu tại giải FLC Vietnam Masters 2019 (Ảnh: Pháp Nguyễn)

Hiện tại chúng ta đã và đang xây dựng được một tần suất đều đặn các giải đấu golf nhà nghề được gói gọn trong khuôn khổ dành cho golfer trong nước và golfer nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam. Đây là bước đi hợp lý, chậm chắc nhằm giúp golf chuyên nghiệp nước nhà từng bước va chạm và làm quen nhiều hơn với các giải đấu có sự cạnh tranh cao. Tuy nhiên tâm lý e ngại rằng golfer Việt sẽ thua thiệt và không có cơ hội đạt giải thưởng vẫn tồn tại ở nhiều người. Điều đó xuất phát từ sự thiếu tự tin, ý nghĩ chủ quan của một vài cá nhân, bế quan tỏa càng và thiếu học hỏi. Ngay việc cho golfer nước ngoài đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam tham dự cũng gặp không ít những ý kiến trái chiều. Nhưng nếu không có Park Sang Ho thì Trần Lê Duy Nhất đâu tìm lại được cảm hứng chiến thắng một lần nữa, nếu không có Varuth Nguyễn thì chúng ta cứ mặc định rằng golfer Việt phải là những người có thể hình to lớn mới có khả năng vô địch. Điều chúng ta đang thiếu nếu không nói là yếu kém chính là tâm lý và cách nhìn nhận với thái độ tích cực. Thi đấu với những golfer xuất sắc hơn mình là niềm vinh dự được học hỏi thay vì tính toán thiệt hơn. Việt Nam đang có những bước đi ngắn hạn trong định hướng phát triển golf chuyên nghiệp. Nhưng để vươn lên một tầm cao, lãnh hội những tinh túy thì tầm nhìn trung và dài hạn là mở cửa, hội nhập cho không chỉ golfer châu Á mà còn toàn thế giới đến Việt Nam để tranh tài. 

Nhìn từ 3 năm tổ chức FLC Vietnam Masters cho đến Lexus Challenge sắp diễn ra, người Việt hoàn toàn có thể tự tin tổ chức và xây dựng giải đấu tầm cỡ ADT, giống như cách Malaysia đang làm. Quốc gia láng giềng Đông Nam Á này đã có lượng golfer chuyên nghiệp đông đảo và ngày càng có vị thế khi họ được cọ sát với nhiều tay golf trên thế giới. Malaysia cũng là nơi đăng cai giải đấu thuộc hệ hống PGA TOUR rất nổi tiếng là CIMB Classic. Để có thành quả như vậy họ cũng đã tự xây cho mình các lớp giải đấu chuyên nghiệp bài bản nhiều năm qua. 

Việt Nam, một điểm đến hấp dẫn tiếp theo của các giải đấu ADT trong tương lai là điều hoàn toàn hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển golf chuyên nghiệp Việt. Cơ sở nào để GolfEDIT nhận định như vậy:

1, Quy mô tiền thưởng của ADT rất phù hợp với điều kiện hiện tại:

Năm 2019 là năm thứ 3 giải golf có quy mô tiền thưởng hơn 1 tỷ đồng FLC Vietnam Masters được tổ chức. Giải đấu thu hút được đông đảo sự quan tâm golfer trong và ngoài nước. Sự lan tỏa còn được các báo chí lớn để ý trong đó có trang thể thao số 1 Hàn Quốc Naver đưa tin. Đã có nhiều khó khăn thử thách khi giải đấu ra đời, nhưng vượt qua những trở ngại đó, FLC Vietnam Masters như một lời khẳng định rằng chúng ta đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Chẳng ai có thể nghĩ sẽ có thể gần 80 vận động viên đăng ký tham dự cho lần đầu ra mắt, chẳng ai tin giải đấu sẽ duy trì được quá 2 năm, chẳng ai tin chúng ta sẽ làm được giải đấu có quy mô ngang ADT như vậy. Có lẽ giây phút thăng hoa vỡ òa cảm xúc trong chiến thắng của Trần Lê Duy Nhất trước Park Sang Ho vừa rồi đã nói lên tất cả. Golf chuyên nghiệp là đỉnh cao cuối cùng trong nấc thang phát triển. Không phải thích chơi trội khi mà hãng xe sang Lexus đã chi lớn cho giải đấu Lexus Challenge sẽ diễn ra vào ngày 15/9 tới đây ở Laguna. Quy mô tiền thưởng lên tới 1,5 tỷ và nhà vô địch sẽ mang về gần 300 triệu đồng. 

Nếu Việt Nam tập trung có nhiều hơn giải đấu quy mô tương tự trong thời gian tới, việc kết hợp ADT cụ thể là với Asian Tour là điều rất có lợi. 

ParkPhap1

Park Sang Ho - Á quân giải FLC Vietnam Masters 2019 (Ảnh: Pháp Nguyễn)

2, Việt Nam đã và đang có các đơn vị tổ chức golf rất chuyên nghiệp

Công tác tổ chức golf của Việt Nam đang khiến nhiều bạn bè quốc tế phải ''choáng ngợp''. Từ các giải đấu phong trào có quy mô lớn lên tới hàng ngàn người đến giải golf của các câu lạc bộ cũng được làm bài bản kỹ càng, chú trọng rất nhiều về mặt hình ảnh cũng như thi đấu. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ 4.0 trong truyền hình trực tiếp, Livestream- livescore đã giúp đông đảo người hâm mộ dễ dàng theo dõi diễn biến và các tình huống thi đấu trên sân. Chúng ta đang dần bắt kịp với công nghệ quay cũng như ghi hình tiên tiến nhất trên thế giới bằng phương pháp nhanh gọn, giá thành hợp lý. Đây là cơ sở tốt để Việt Nam đăng cai tổ chức các giải đấu quy mô ADT.

GOLF6672

Trần Lê Duy Nhất trước vòng vây của đông đảo cơ quan truyền thông báo chí (Ảnh: Pháp Nguyễn)

3, Mô hình ADT sẽ giúp kết nối mật thiết golf chuyên nghiệp Việt Nam với châu Á và thế giới:

Asian Development Tour 2019 là năm thứ 9 hệ thống này được tổ chức, nó là tour bản lề được điều hành bởi Asian Tour. Nó giống với hệ thống Web.com Tour của PGA Tour hay The Challenge Tour của European Tour. Các tay golf không thể thi đấu hay không được nhận thẻ do trượt ở phân hạng lên Asian Tour thì có cơ hội tranh tài ở ADT. Nhóm 5 tay golf có số tiền cao nhất cuối mùa sẽ được lên thi đấu trên Asian Tour ở mùa tiếp theo. Hầu hết các giải đấu ADT đang diễn ra ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Đài Loan. Từ năm 2013, hệ thống ADT này cũng được bảng xếp hạng Official World Golf Ranking tính điểm. Tối thiểu 6 điểm cho người vô địch và top 6 đồng hạng cũng nhận điểm.

Việt Nam trong thời gian tới có nhiều giải đấu lớn có quy mô, sẵn sàng mở cửa với nước ngoài thì đây sẽ là cơ hội để chúng ta kết nối mất thiết với golf chuyên nghiệp châu Á và thế giới. Khi có sự kết nối và giao thoa rồi thì cơ hội để golfer Việt lĩnh hội những tinh hoa của nước ngoài cực kỳ dễ dàng. Golfer như Trần Lê Duy Nhất có khả năng tăng điểm xếp hạng trên OWGR. Bên cạnh đó thì ADT là điều có lợi cho các nhà tài trợ ở Việt Nam khi dễ dàng đưa thương hiệu của mình ra ngoài thế giới thông qua giải đấu. Sự hỗ trợ của truyền thông đặc biệt là bản quyền truyền hình từ ADT - Asian Tour là rất lớn. Trước khi nghĩ đến những tour đẳng cấp lớn quy mô thế giới thì ADT là sự lựa chọn tiếp theo không nên bỏ qua. Chẳng lẽ nào chúng ta lại thờ ơ với hướng đi này.

GolfEdit.com

3