Trọng tài R&A Level-3 Vũ Quân: Một giải đấu không đúng luật trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban tổ chức
Trước đó, VGR cũng có 2 thành viên khác đã được R&A công nhận là trọng tài R&A Level-3 là Vũ Nguyên và Đinh Hồng Minh. Đặc biệt với số điểm trên 80, trọng tài Dương Quang Huy sẽ cùng trọng tài Vũ Nguyên được R&A cấp phép tham gia vào công tác giảng dạy luật Level -2.
Trọng tài Vũ Quân (thứ 2 từ trái sang) và trọng tài Quang Huy. (Ảnh: Quang Huy)
GolfEdit đã có một cuộc trò chuyện với trọng tài Vũ Quân sau kỳ thi luật R&A Level-3:
/GolfEdit: "Xin chúc mừng anh và trọng tài Quang Huy đã vượt qua kì thi tuyển của R&A để trở thành trọng tài golf cấp cao nhất của R&A, anh có thể chia sẻ với chúng tôi đôi chút về kỳ thi này?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Đây là một sự kiện được R&A tổ chức hàng năm tại sân golf lâu đời nhất thế giới St Andrew, Scotland. Để tham dự vào kỳ thi R&A Level-3, người tham dự phải có bằng R&A Level-2 và được hiệp hội golf quốc gia đó cử đi thi. Năm nay kì thi có tổng cộng 85 thành viên đến từ 38 quốc gia trên thế giới. Bạn chỉ cần đạt từ 60 điểm sẽ đỗ kì thi, nếu từ 80 điểm trở lên (loại Giỏi) bạn sẽ được đứng lớp giảng dạy cho luật Level-2, 100 điểm là điểm tối đa."
/GolfEdit: "Điều gì khiến anh tiếc nuối nhất khi tham dự kì thi này?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Khi đến Scotland, tôi đã chia sẻ với những người bạn thi đến từ các quốc gia khác rằng tôi sẽ cố gắng phải đạt ít nhất 80 điểm để có thể được R&A cho phép đứng lớp. Thật tiếc, tôi đã thiếu 2 điểm và chưa thể đạt được đúng kì vọng của mình nhưng mọi thứ với tôi cũng rất tuyệt vời".
/GolfEdit: "Lý do nào khiến anh theo đuổi công việc làm trọng tài Golf này? Bởi có ý kiến cho rằng Golf ở Việt Nam còn mới, đa số là các giải phong trào 'tự phát' kiểu tri ân khách hàng và ngoại giao nên họ 'ngại' va chạm với trọng tài, và anh sẽ không được nhiều cơ hội thực hiện nghiệp vụ của mình, do vậy việc học lên ngay lúc này là chưa cần thiết, anh nghĩ sao? "
Trọng tài Vũ Quân:
"Học luật đâu chỉ để làm trọng tài. Với tôi điều thứ nhất khiến tôi tham dự kì thi này trước hết là sự đam mê của tôi với Golf cụ thể là luật golf. Thứ hai tôi tin rằng tôi sẽ có thể tham gia hỗ trợ cho công tác giảng dạy và phổ biến luật golf nhiều hơn cho cộng đồng Golf Việt Nam, cho các sân golf, và golfer... Làm giải thì giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống thực tế. Trong kỳ thi tôi tham dự có rất nhiều người không phải đi thi để làm trọng tài Golf mà họ làm việc cho các sân, các câu lạc bộ, có cả người đến từ các tổ chức PGA, LPGA, European Tour. Còn việc học thì không bao giờ là thừa cả."
/GolfEdit: "Tình trạng chung về việc 'hiểu luật' của golfer Việt Nam hiện nay anh đánh giá như thế nào?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Bạn có thể thấy, trong 2 năm trở lại đây các diễn đàn Golf đã bắt đầu đề cập mạnh hơn đến vấn đề 'chơi golf đúng luật', đặc biệt là vấn đề mất tư cách nghiệp dư do thi đấu các giải đấu nghiệp dư nhưng có yếu tố tài chính xen kẽ vào giải thưởng chính thức. Thực trạng trước đó, một bộ phận không nhỏ golfer chúng ta chỉ học cách đánh golf trước rồi nhanh chóng ra sân, không cần học luật, mà nếu có học thì theo kiểu truyền miệng, người thì học từ Caddie nên thường quan niệm sai về luật. Chưa kể có rất nhiều người làm nghề quản lý liên quan đến Golf cũng chưa quan tâm đến luật. Do vậy nếu đào tạo được nhiều trọng tài hay hỗ trợ cho nhiều golfer vượt qua các bài thi ở Level-1, Level-2 tôi tin chắc chỉ trong thời gian ngắn golf Việt Nam sẽ đi đúng quỹ đạo chung, và sẽ phát triển đúng hướng."
/GolfEdit: "Theo anh có một giải đấu nghiệp dư sai luật, hay "lách luật" thì trách nhiệm thuộc về ai, golfer tham dự, ban tổ chức giải đấu hay đơn vị quản lý hoạt động golf của nơi đó? Và trọng tài của giải đấu có tham gia gì vào vấn đề này không?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Theo tôi trách nhiệm đầu tiên, phải thuộc về ban tổ chức (commitee). Vì BTC phải có trách nhiệm trước tiên làm đúng luật, đúng tinh thần của môn Golf. Như tôi từng nói ở trên, những người đi thi R&A Level-3 thực tế để làm trọng tài một phần thôi còn họ đa số là người quản lý, là BTC của các giải đấu lớn. Họ cần phải là người trước tiên hiểu luật và họ cũng cần được thông qua các khóa học của R&A về luật rồi mới nhận tổ chức các giải đấu. Như tên khóa học R&A Level 3 là Tour Administration and Referee School mà. Họ nhấn mạnh và đề cao học luật trong công tác quản lý và tổ chức Golf. Do vậy BTC là người đầu tiên phải hiểu luật nắm luật, còn trọng tài như tôi có vài trò giúp đỡ và giám sát cuộc chơi cho đúng luật. Chúng tôi hỗ trợ cùng BTC trong việc làm điều lệ giải, luật địa phương, thực hiện marking sân, xử lý và giúp đỡ các tình huống luật trên sân. Để tổ chức giải đấu cho tốt thì trọng tài nên tham gia ngay từ đầu chứ không chỉ làm công tác phân xử trên sân."
/GolfEdit: "Cũng có ý kiến cho rằng, các giải nghiệp dư ở nước ngoài họ cũng 'sai' khi giải thưởng chính thức cũng lớn đâu chỉ có Việt Nam. Và với kinh nghiệm đi nhiều nơi trên thế giới, anh có cho rằng đây là kết luận có cơ sở hay vô căn cứ?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Tôi chưa thấy có điều nào tương tự ở nước ngoài như ở Việt Nam. Tôi từng nói chuyện với trọng tài Vũ Nguyên khi anh ấy chia sẻ về Golf Nghiệp dư ở Thái Lan. Thực tế tham dự giải nghiệp dư của chúng ta quá "hoành tráng". Giải nghiệp dư nhưng 'to' như giải chuyên nghiệp, tiếp đón long trọng, cúp đẹp và quà 'khủng'. Nhưng bên Thái Lan có khi bạn chỉ được 1 cái cúp bé 'tẹo' và một 'gói kẹo' là cùng. Ở các quốc gia golf khá là phát triển gần ta như Thái Lan và Malaysia thì họ hiểu rõ rằng golf nghiệp dư thi đấu là vì sự thách thức của môn golf chứ không quá coi trọng thành tích như ở Việt Nam hiện nay."
/GolfEdit: "Vai trò của hiệp hội Golf quốc gia như thế nào trong phát triển Golf ở quốc gia đó, anh có gợi ý gì không?"
Trọng tài Vũ Quân:
"Tôi đã có cuộc trò chuyện khá thân mật với rất nhiều người tham dự cuộc thi vừa qua. Họ đến từ các tổ chức và là người đang làm trong các hiệp hội, các tour đấu golf lớn. Tất cả chúng tôi đều đề cập đến vai trò của hiệp hội golf quốc gia là vô cùng quan trọng. Hiệp hội có vai trò định hướng, hoạch định chính sách, tổ chức ra một sân chơi golf bình đẳng và đúng luật. Hiệp hội cần có kết nối mật thiết với các sân golf, các câu lạc bộ golf để hướng dẫn luật. Ở Việt Nam chúng ta chưa có hệ thống chuyên nghiệp chính thức, nên phần lớn là các giải đấu nghiệp dư, do vậy không tránh được tình trạng các đơn vị tự phát tổ chức giải mà chưa nắm rõ luật hay làm vì 'kinh tế' nhiều hơn là vì tinh thần của môn golf. Theo tôi những người hoạch định chính sách, những người có trách nhiệm với golf như hiệp hội cũng cần phải nắm vững luật golf để có thể đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng golfer. Golf là sự tự giác, đòi hỏi sự trung thực là trước tiên. Với những giải đấu 'chẳng may' vi phạm luật thì hiệp hội cần phải sớm đưa ra các khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng giải đấu lần sau diễn ra sai luật tiếp, và không thể để tình trạng 'phép vua thì thua lệ làng'. Vietnam Golf Referee (VGR) lập ra là để tập hợp những người yêu thích luật và làm trọng tài với mục đích phổ cập luật, giúp VGA, các sân, các câu lạc bộ golf trong công tác điều hành và phát triển giải đấu. Vì vậy tôi thấy lúc này cần phải nhấn mạnh công tác tuyên truyền luật Golf là điều quan trọng nhất. Và bạn có tin rằng vẫn có trường hợp người chơi thắng đối thủ của mình bằng luật mà chưa cần phải tính đến thành tích thi đấu. Bạn không thể thành 'trò hề' để người khác dắt mũi chỉ vì thiếu hiểu biết về luật. ".
/GolfEdit: "Xin cảm ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn này!"
Golfedit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.