7 dấu ấn Golf Việt 2018
1, Tuyển miền Nam lần đầu đăng quang Union Cup:
Tuyển miền Nam vỡ òa trong cảm xúc khi lần đầu vô địch VGA Union Cup. Tuyển của đội trưởng Andrew Hùng Phạm đã giữ lại cúp Union Cup sau khi tuyển có chiến thắng với tỷ số kịch tính 14,5-13,5.
Tuyển miền Nam vỡ òa cảm xúc khi chiến thắng VGA UNION CUP 2018 (Ảnh: SGGA)
Có lẽ khán giả chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng như vòng chung kết VGA Union Cup 2018 khi phân định thắng thua hai miền nằm trong trận đấu cuối cùng giữa Trần Thế Cường (Miền Bắc) và Hoàng Ngọc Quý (Miền Nam). Cả hai vận động viên đã cống hiến cho người xem nhiều pha rượt đuổi tỷ số kịch tính. Áp lực đè nặng đến mức Hoàng Ngọc Quý với cơ hội ghi birdie để san hòa ở hố 16 thì anh đã mắc điểm bogey. Nhưng ngay sau đó anh kịp trở lại với việc thắng hố 17. Miền Nam thắng hay thua nằm trong hố đấu thứ 18. Ngay ở cú teeshot đầu tiên, Hoàng Ngọc Quý sử dụng gậy gỗ đưa bóng sang phải lệch hẳn fairway, trong khi đó Trần Thế Cường có cú đánh lên fairway chuẩn xác. Ở cú đánh thứ 2, tay golf Ngọc Quý cứu bóng ra fairway và còn cách cờ hơn 100 yards. Trần Thế Cường ở cú đánh thứ hai đưa bóng lên green nhưng ở khoảng cách khá xa cờ. Ở cú đánh thứ 3, golfer thuộc tuyển miền Nam đưa bóng lên green gần cờ hơn. Trần Thế Cường gạt bóng trước nhưng đưa bóng vượt quá xa cờ. Lúc này tình thế đã cân bằng cho cả hai tay golf. Hoàng Ngọc Quý thực hiện cú putt đầu tiên đưa bóng gần lỗ và được nhấc bóng. Lúc này, tuyển miền Bắc muốn có 1 điểm bắt buộc Trần Thế Cường phải gạt bóng vào ghi điểm par. Nhưng đáng tiếc ở lần gạt thứ 2 này anh đã đưa bóng lệch lỗ và điểm hòa ở hố 18 đồng nghĩa với việc tuyển Miền Nam có thêm 0,5 điểm. Số điểm này đủ mang về cho tuyển chiến thắng sau 2 năm mong đợi.
Tuyển miền Nam tại VGA Union Cupp 2018 - Ảnh Duy Dương (VGM)
Chiến thắng của tuyển miền Nam thực sự giúp họ vượt qua được ngưỡng tâm lý khá lớn. Với những người trung lập thì sẽ thấy đây là một kết quả đẹp và giải đấu sẽ không trở nên quá chênh lệch về thành tích. Chúng ta cùng kỳ vọng và chờ đón thêm nhiều điều hấp dẫn hơn nữa sẽ đến ở các giải VGA Union Cup 2019 sắp tới.
2, VGA tổ chức 4 giải đấu chuyên nghiệp VPG TOUR
VPG Tour là hệ thống giải golf chuyên nghiệp do Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức. Năm 2018, VGA đã có tổng cộng 4 giải đấu chuyên nghiệp chính thức với tổng giá trị giải thưởng 300 triệu đồng/1 giải, nhà vô địch nhận 90 triệu đồng. Bắt đầu là giải CN QG trên sân Sacom Tuyền Lâm, VPG Long Biên, VPG BRG Kings Island, và VPG VMC. Đây là một nỗ lực tuyệt vời của Hiệp hội Golf Việt Nam trong định hướng phát triển golf đỉnh cao, tạo ra sân chơi đẳng cấp cho golf Việt.
Bên cạnh đó, VGA sẵn sảng bảo trợ cho Bảng chuyên nghiệp giải vô địch Sân Golf, các CLB. Trong quy hoạch phát triển golf chuyên nghiệp trên hạ tầng 4 hệ thống giải đấu chính, VGA khẳng định những hỗ trợ để giúp các đơn vị sân golf - CLB có thể tạo nhiều sân chơi cho golfer nhà nghề. Theo kế hoạch, VGA sẽ phát triển 4 hệ thống giải golf chuyên nghiệp bao gồm: Hệ thống giải CN Quốc Gia (VPG Tour), Hệ thống giải VĐCN (PGC Tour), Hệ thống giải chuyên nghiệp phát triển (PGD Tour) và hệ thống giải chuyên nghiệp 1 ngày (OG Tour). Song song với việc xây dựng đấu trường, HHGVN cũng sớm triển khai hệ thống ranking xếp hạng cho các vận động viên, từ đó có cơ sở đánh giá và tổng kết thành tích hàng năm. Hiện tại, ngoài giải đấu CN do HHGVN tổ chức. VGA cũng khuyến khích phát triển mạnh hơn các giải đấu có bảng CN thuộc các cấp địa phương, nhưng cần đảm bảo đúng quy định và quy chế tổ chức golf CN. Trích công văn số 41218/CV- HHGVN về việc tổ chức giải Golf chuyên nghiệp 1 ngày. Theo đó VGA sẽ bảo trợ cho Bảng golf chuyên nghiệp trong các giải Vô địch sân golf, các CLB Golf. Những vận động viên nghiệp dư của Giải cũng sẽ được xếp hạng nhưng không được nhận tiền thưởng theo Luật nghiệp dư. Kết quả Giải đấu sẽ được công nhận trong BXH Việt Nam (OVGR). Chú ý các đơn vị này cần báo lịch thi đấu sớm cho VGA để tránh trùng lịch đấu với giải của Hiệp hội.
3, Trần Lê Duy Nhất góp mặt tại các giải đấu của Việt Nam.
Làng Golf Việt đã nghe tên của Trần Lê Duy Nhất nhiều khi anh là tay golf chuyên nghiệp Việt thi đấu nhiều nhất trên Asian Tour và có những thành tích đáng kể. Tay golf sinh năm 1989 bất ngờ xuất hiện trong đội hình của tuyển Hà Nội tại ĐH TDTT Toàn Quốc vừa qua và dễ dàng mang về huy chương vàng cá nhân. Anh đăng ký tham dự giải VPG BRG Kings Island và mang về 90 triệu đầu tiên từ giải đấu do VGA tổ chức. Duy Nhất về á quân tại FLC Vietnam Masters tổ chức ở sân Quy Nhơn. Khép lại một năm thi đấu đầy năng nổ tại Việt Nam với chức vô địch giải CN Đối kháng QG 2018 khi hạ Ngô Công Mạnh ở trận chung kết.
Trần Lê Duy Nhất có một năm thi đấu năng nổ tại các giải đấu golf của Việt Nam (Ảnh: Duy Dương/VGM)
4, Đoàn Hà Nội ẵm trọn huy chương vàng tại ĐH TDTT Toàn Quốc lần VIII.
Đoàn Hà Nội ra quân tại ĐH TDTT với những gương mặt vô cùng thân quen: Trần Lê Duy Nhất, Phạm Minh Đức, Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt, Nguyễn Thảo My, Đoàn Xuân Khuê Minh. Đội hình toàn các golfer được coi là 'sao số' hiện nay của làng golf Việt. Không mấy khó đoán khi huy chương vàng cá nhân, đồng đội ở nội dung Nam và Nữ đều thuộc về tuyển Hà Nội. Trần Lê Duy Nhất và Nguyễn Thảo My lần lượt mang về sớm 2 huy chương vàng cá nhân sau hai ngày đấu đầu tiên. Ở nội dung đồng đội Nam - Nữ, tuyển Hà Nội cũng mang về thêm 2 huy chương vàng nữa và ẵm trọn bộ huy chương cao quý nhất của ĐHTDTT toàn Quốc lần thứ 8 này.
Thảo My có HCV cá nhân nữ tại giải golf ĐH TDTT Toàn Quốc lần thứ VIII (Ảnh: Duy Dương/VGM)
5, Hanako Kawasaki có 2 chức VĐQG, lập kỷ lục ghi điểm của trường ĐH Boston
Hanako Kawasaki đã xuất sắc lên ngôi vô địch giải Vietnam Ladies Amateur Open 2018 với tổng điểm +11, dẫn cách biệt 3 gậy so với người đứng thứ 2 là Nguyễn Thảo My. Hanako Kawasaki đã vượt qua Nguyễn Thảo My ở hai lần cạnh tranh gần đây trong đó có trận chung kết đối kháng Quốc Gia 2017. Chức vô địch giải VĐQG Nghiệp dư nữ mở rộng 2018 giúp Hanako nhảy 292 bậc trên bảng xếp hạng WAGR.
Hanako Kawasaki vô địch VLAO 2018 đầy thuyết phục (Ảnh: Duy Dương)
Trở lại với giải đối kháng QG 2018 với tư cách hạt giống số 1, Hanako Kawasaki cũng không mấy khó khăn để bảo vệ thành công chức vô địch của mình. Một phần golfer bạn thân, cũng là đối trọng lớn của Hanako là Nguyễn Thảo My không góp mặt cũng khiến giải đấu đã ít nhiều mất đi phần hấp dẫn. Trước khi đến với giải VMC 2018, Đại học năm nhất Boston University - Hanako Kawasaki đã tạo nên kỷ lục đáng nhớ. Với số gậy 67 lập được trong ngày chung kết không chỉ giúp cô mang về danh hiệu cá nhân giải Yale Intercollegiate mà còn vượt qua thành tích 68 (-4) mà Emily Tillo thiết lập được vào ngày 7/3/2016. Thêm vào đó, Hanako Kawasaki cũng tạo nên số điểm kỷ lục 211 gậy sau 54 hố (71-73-67), hơn tơí 5 gậy so với kỷ lục trước đó của Cejnarova (216 gậy) vào tháng 10 năm 2016.
Hanako Kawasaki đã sở hữu 5 danh hiệu lớn của Quốc Gia bao gồm: 2 chức vô địch Vietnam Ladies Amateur Open 2016-2018, vô địch Vietnam Junior Open 2017 và Vietnam Matchplay Championship 2017-2018.
6, FLC Vietnam Masters trở lại.
Giải đấu chuyên nghiệp với tổng tiền thưởng hơn 1 tỷ đồng quay trở lại sau thành công năm 2017. FLC Vietnam Masters được giới yêu golf Việt đánh giá là giải đấu có công tác tổ chức bài bản chuyên nghiệp nhất hiện nay. Giải đấu được Thể thao TVHD, thể thao GOLF HD tường thuật trực tiếp 4 ngày thi đấu và đã tạo nhiều ấn tượng tuyệt vời cho người xem.
Trần Lê Duy Nhất về á quân giải FLC Vietnam Masters 2018 (Ảnh: VPGA TOUR)
Chung cuộc, golfers 28 tuổi người Thái Lan là Annop Tangkamolprasert đã có chiến thắng cách biệt tại giải FLC Vietnam Masters 2018, được tổ chức trên sân golf FLC Quy Nhơn Golf Links - tỉnh Bình Định. Với tổng số điểm - 6 sau 4 vòng đấu trong đó có 2 ngày đấu bogey-free, Annop Tangkamolprasert đã có chiến thắng thuyết phục tại giải FLC Vietnam Masters 2018. Anh dẫn cách biệt so với người đứng thứ 2 là Trần Lê Duy Nhất (evenpar) tới 6 gậy. Anh mắc có 4 bogey và ghi được 10 birdie tại giải. Chắc chắn Annop là tay golf thi đấu hay nhất giải. Kết quả chi tiết ở 4 vòng đấu của Annop lần lượt là 73, 69, 70 và 70 gậy.
Annop Tangkamolprasert lên ngôi ấn tượng tại giải FLC Vietnam Masters 2018 (Ảnh: VPGA TOUR)
7, Giải VĐ Đối kháng QG có nhà vô địch trẻ tuổi nhất lịch sử.
Đặng Quang Anh không hổ danh là hạt giống số 1 của giải. Tay golf 13 tuổi từng dành huy chương đồng VMC 2017 được đặc cách từ vòng phân bảng giải đấu đối kháng năm nay. Quang Anh có những chiến thắng như 'chẻ tre' và chưa cần 2 tiếng rưỡi để loại đối thủ ở vòng 1/32 trước Lê Khắc Hoàng và 1/16 trước Phạm Hồng Vươn. Tưởng chừng Quang Anh sẽ gặp khó khăn trước cựu tay golf chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thống thì một lần nữa tài năng của golfer trẻ này thể hiện đầy xuất sắc. Quang Anh hạ Văn Thống với tỷ số 3&2. Có lẽ trận đấu khó khăn nhất đến từ bán kết khi Quang Anh gặp người bạn ở tuyển HCM Trần Lam. Khả năng shortgame tuyệt vời đã giúp Quang Anh có chiến thắng kịch tính 1up trước Trần Lam. Và chiến thắng 2Up trước Nguyễn Nhất Long ở trận chung kết đã giúp Đặng Quang Anh đi vào lịch sử giải đấu với tư cách tay golf trẻ tuổi nhất. Golfer sinh năm 2005 đã có một bước tiến dài trong sự nghiệp và thể hiện sự vượt trội trong thi đấu. VMC là giải đấu được xếp hạng nghiệp dư thế giới. Với thành tích này, Đặng Quang Anh sẽ chính thức góp mặt trên BXH WAGR sau khi được tính điểm vào những tuần tới.
Quang Anh vô địch giải VMC 2018 (Ảnh: Phan Trung Chiến)
GolfEdit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.