Hanako, Thảo My, Khuê Minh tái ngộ tại Vietnam Junior Open 2018
Vietnam Junior Open (VJO) năm nay tâm điểm sẽ là bộ 3 golfer nữ Hanako Kawasaki, Nguyễn Thảo My và Đoàn Xuân Khuê Minh. 3 nhà vô địch của Quốc Gia Nữ một lần nữa tái ngộ sau 1 tháng ở giải VĐQG Trẻ vào 12/7 tới đây.
Hanako Kawasaki(trái) vô địch, Thảo My (giữa) xếp Á Quân, Khuê Minh (ngoài cùng) về T3 - VLAO 2018 (Ảnh: Duy Dương)
Nhóm đấu chung kết trong mơ Vietnam Ladies Amateur Open 2018 đã đi vào lịch sử của golf nữ Quốc Gia khi có sự góp mặt của 3 nhà vô địch trẻ tuổi và có điểm số bám đuổi sát nhau. Khuê Minh gây ấn tượng khi là tay golf có điểm số tốt nhất sau 2 ngày đấu, trong khi đó Hanako nén đau sau chấn thương ở vòng đầu và đứng thứ 2. Nguyễn Thảo My có vòng 1 dẫn đầu nhưng bất ngờ để rơi phong độ ở vòng 2 khi đánh +7 điểm để đứng thứ 3. Bản lĩnh của nhà vô địch VLAO 2014, 2015 giúp Thảo My trở lại ví trí dẫn đầu khi duy trì sự ổn định trong 12 hố với 11 par, 1 birdie ở vòng 3. Trong khi đó Khuê Minh không còn thể hiện khả năng gạt bóng tốt như vòng trước khi liên tục mắc điểm double bogey, bogey để tự loại mình khá sớm khỏi cuộc đua tranh vô địch sau 9 hố . Cuộc chiến lúc này dường như chỉ còn Hanako và Thảo My. Bước ngoặt của trận đấu một lần nữa lại đến từ chính hố 13 PAR5 - hố đấu khiến Thảo My từng đốt 9 gậy vòng 1, 6 gậy vòng 2 và ở vòng 3 này là 7 gậy (ghi điểm double bogey). Hanako vẫn kiên trì chiến thuật thi đấu không tấn công vừa để bảo toàn kết quả cũng nhưng hạn chế chấn thương. Thảo My về bogey hố 15PAR4 và kịp trở lại với birdie hố 16 nay sau đó. Nhưng hi vọng cạnh tranh chức vô địch trở nên quá mỏng manh khi một lần Thảo My mắc double bogey ở hố 17. Chung cuộc Hanako Kawasaki lần thứ 2 lên ngôi vô địch VLAO, với cách biệt dẫn 3 gậy so với Nguyễn Thảo My (xếp vị trí thứ 2). Khuê Minh đã có 9 đường cuối tốt khi chỉ có 2 bogey và đứng đồng hạng 3 ở VLAO 2018. Như vậy ở vị trí nhất nhì ba lần lượt thuộc về Hanako, Thảo My và Khuê Minh. Một trận đấu chung kết đầy cảm xúc và tự hào về ba nữ golfer trẻ nghiệp dư tài năng của Việt Nam.
Như vậy Thảo My ở 2 lần gần nhất cạnh tranh trực tiếp với Hanako đều không có được kết quả tốt nhất. Thảo My để thua Hanako sau 18 hố đánh matchplay ở giải VĐQG Đối Kháng 2017 và lần này là ở VLAO 2018. Trở lại với Vietnam Junior Open 2017, đây là giải đấu mà Hanako Kawasaki đã có màn trình diễn cực kỳ thuyết phục khi về điểm số âm -3 (68 gậy) vòng 1 và sau đó trở thành golfer người Việt đầu tiên vô địch giải. Trước đó danh hiệu Vietnam Junior Open 2016 thuộc về golfer người Thái Arpichaya Yubol. VJO 2017 chính là giải đấu giúp Hanako lần đầu tiên được xếp hạng trên bảng nghiệp dư thế giới WAGR. Trở lại VJO năm nay với tư cách nhà đương kim vô địch giải, tân vương Vietnam Ladies Amateur Open cũng sẽ là một áp lực không nhỏ cho cô gái có mẹ là người Việt Nam, cha người Nhật này. Không những thế chấn thương chưa thực sự bình phục ở cổ tay ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến màn thi đấu của Hanako Kawasaki ở The Bluffs Hồ Tràm.
Hanako Kawasaki - VJO 2017 (Ảnh: Pháp Nguyễn)
Nguyễn Thảo My chưa thể hiện được cái duyên ở các giải trong nước gần đây khi kết quả thực sự không như ý muốn. Thảo My có những bước nhảy vọt trên bảng XH WAGR trong 2 năm qua khi có thời điểm vào trong top 300. Trong thời gian nghĩ hè, My dành nhiều thời gian chỉnh và hoàn thiện Swing để tiếp tục thi đấu cho tuyển trường Bắc Carolina mùa tới với vài trò cốt cán. Nhưng trước mắt sẽ là VJO, giải đấu Thảo My chưa lên ngôi vô địch kể từ năm 2016 và cũng là cơ hội để golfer sinh năm 1998 thể hiện mình sắp tới. Trước đó khi giải đấu VĐQG Trẻ chưa đổi tên thành Vietnam Junior Open, Thảo My có 3 lần lên ngôi giải đấu.
Nguyễn Thảo My -VJO2017 (Ảnh Pháp Nguyễn)
Nhưng có lẽ cuộc đua tại VJO 2018 sẽ khác hơn khi tay golf 15 tuổi Khuê Minh ngày một trưởng thành và sẵn sàng cạnh tranh với Hanako, Thảo My. Nhà vô địch VLAO 2017 thi đấu ngang ngửa nếu không nói là tốt hơn cả hai vận động viên xếp hạng WAGR đến từ HongKong và Singapore tham dự ở VĐQG Nữ vừa qua. Khuê Minh vẫn cần nổ lực rất nhiều đặc biệt là tham gia nhiều hơn vào các giải đấu để cải thiện tâm lý thi đấu. Nhưng để có hẳn sự bứt phá mạnh mẽ vượt trội hẳn so với đàn chị đi trước thì Khuê Minh cần phải khổ luyện hơn rất nhiều để có những vòng đấu đánh âm điểm. Sở hữu vũ khí mạnh là những cú đánh xa như một vận động viên chuyên nghiệp trên tour, nếu tập trung cải thiện mạnh về khả năng chip-putt Khuê Minh sẽ sớm có những danh hiệu mới trong tương lai. VJO là một đấu trường khắc nghiệt hơn khi cạnh tranh với đông đảo vận động viên ở mọi lứa tuổi và hi vọng Khuê Minh duy trì tốt phong độ như ở VLAO 2018.
Đoàn Xuân Khuê Minh - VJO2017 (Ảnh Pháp Nguyễn)
Hanako Kawasaki, Nguyễn Thảo My và Đoàn Xuân Khuê Minh sẽ đại diện cho Việt Nam thi đấu ở ASIAD vào cuối tháng 8 ở Indonesia. Hi vọng cả 3 tay golf sẽ thi đấu hết mình ở VJO để có chiến lược phù hợp chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất châu lục.
Golfedit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.