Ông Phạm Thành Trí đánh giá chặng đường 10 năm giải Nghiệp Dư và 3 năm giải Chuyên Nghiệp VĐQG
Dưới đây là đánh giá tổng quát của Trưởng ban tổ chức Giải Golf Nghiệp Dư và Chuyên Nghiệp ông Phạm Thành Trí về 10 năm tổ chức giải golf nghiệp dư và chuyên nghiệp VĐQG. GolfEdit xin trích lại toàn bộ đánh giá của ông Phạm Thành Trí về hai giải đấu lớn nhất quốc gia này:
Ông Phạm Thành Trí - Phó TTK Hiệp hội Golf Việt Nam - Trưởng ban tổ chức hai hệ thống giải Nghiệp Dư và Chuyên Nghiệp VĐQG
1. Giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng
Được đăng cai lần đầu tiên tại sân golf Dalat Palace (còn được biết đến với tên gọi là sân golf Đồi Cù, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vào năm 2008, giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng (Vietnam Amateur Open) đã được Hiệp hội Golf Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao đưa vào hệ thống giải golf thường niên dành cho các tay golf trong nước và quốc tế. Năm 2018 đánh dấu mốc son 10 năm tổ chức giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng, và địa điểm tổ chức vẫn là tại Thành phố Đà Lạt, sân golf SAM Tuyền Lâm. Sân golf SAM Tuyền Lâm cũng chính là đơn vị đã từng đăng cai giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng 2016 và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với những người tham dự trong cả hai lần đăng cai.
Giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia (Vietnam Amateur Open) là một trong những giải đấu quan trọng và có quy mô lớn nhất nằm trong hệ thống các giải đấu do Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức. Các tay golf không chuyên đáp ứng theo đúng những quy định trong Luật về tình trạng Nghiệp dư của tổ chức R&A đều có đủ tư cách tham dự. Những cái tên như Trần Lê Duy Nhất, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Văn Thống, Andrew Hùng Phạm, Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt,… đã trở nên quá quen thuộc và nổi tiếng trong làng golf Việt Nam, và họ chính là những nhà Vô địch hoặc đạt thứ hạng cao tại các giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia.
Trương Chí Quân hiện đang là tay golf nghiệp dư số 1 của Việt Nam (Ảnh: Duy Dương)
Ngay từ những giải đấu lần đầu, Hiệp hội Golf Việt Nam đã đăng ký với Liên đoàn Golf Thế giới để đưa Giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia vào hệ thống các giải đấu được nhận điểm xếp hạng thế giới dành cho các tay golf nghiệp dư (WAGR), từ đó tạo sức hút đối với các tay golf nghiệp dư có thứ hạng cao trong khu vực đăng ký tham dự. Hiện tại giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng của chúng ta đã được xếp ở cấp độ E để tính điểm, xét về mức độ danh giá và số lượng tay golf nghiệp dư hàng đầu tham dự. Ban tổ chức cũng mời các tay golf Nghiệp dư trẻ hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, vừa là để tạo cơ hội cọ sát lớn cho các tay golf Việt Nam, đồng thời cũng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn và làm cho tính chất cạnh tranh thêm phần khốc liệt. Qua từng giải đấu, chúng ta có sự so sánh rõ ràng về sự chênh lệch trình độ của golf Việt Nam với golf khu vực, từ đó chúng ta học hỏi thêm và có những kế hoạch phát triển phong trào golf phù hợp.
Chính từ giải đấu này, các tay golf trẻ tài năng có cơ hội khẳng định mình và trở thành những tay golf chuyên nghiệp hoặc là những thành viên chủ chốt của đội tuyển golf quốc gia tham gia thi đấu tại các giải Quốc tế. Sự toả sáng của các tay golf trẻ tại các giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia, đặc biệt là trong những năm gần đây, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những kết quả đã đạt được của việc chú trọng phát triển phong trào golf trẻ.
Golf nghiệp dư Việt đã có những thế hệ trẻ tài năng sẵn sàng kế thừa và thi đấu đạt thành tích cao hơn trong tương lai không xa (Ảnh: Duy Dương)
Công tác tổ chức và điều hành luật của giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng cũng đã luôn được chú trọng và ngày càng hoàn thiện hơn qua từng mùa giải. Ngoài việc áp dụng các Luật và quy định mới nhất theo các tiêu chuẩn quốc tế, Ban tổ chức còn mời các trọng tài trong nước có chứng chỉ cấp 2 và cấp 3 của R&A để tham gia giám sát, hỗ trợ người chơi trong các vòng đấu chính thức. Trình độ kỹ thuật và kiến thức luật golf của đa số các tay golf hiện nay đã được nâng cao rất nhiều so với mấy năm trước đây, song vẫn không thể thiếu được sự hỗ trợ của đội ngũ trọng tài. Nhiều tính huống luật khó, xảy ra trong quá trình các vận động viên thi đấu, đã được các trọng tài xử lý kịp thời, chính xác, giúp đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người.
Trọng tài là thành phần không thể thiếu ở các giải đấu tầm quốc gia (Ảnh: Duy Dương)
Công tác truyền thông cho các giải đấu đang ngày càng được chú trọng hơn, với sự phối hợp của các đơn vị báo chí, truyền hình, trong đó có áp dụng cả hình thức livestream trực tiếp trên các mạng xã hội, nhằm quảng bá nhanh, rộng rãi về giải cũng như hình ảnh, thương hiệu của các đơn vị tham gia tài trợ. Hiệp hội Golf Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp, các tổ chức sẽ vẫn luôn đồng hành, ủng hộ tài chính, vật chất cho giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng để quy mô và chất lượng của giải đấu sẽ ngày càng được nâng cao.
2. Giải Vô địch Golf Chuyên nghiệp Quốc gia
Từ năm 2014, các quy định của Luật về tình trạng Nghiệp dư đã được áp dụng chặt chẽ hơn tại các giải golf Quốc gia. Số lượng các tay golf bị mất tư cách Nghiệp dư vì tham gia dạy golf và kiếm tiền từ công việc có liên quan tới dịch vụ golf ngày càng tăng lên do nhu cầu tập chơi golf tại Việt Nam tăng mạnh. Từ đó dẫn tới yêu cầu phải có sân chơi riêng cho những tay golf không còn tình trạng Nghiệp dư này (khi đó được gọi là các tay golf Non-Amateur). Tuy nhiên, do điều kiện tài chính còn hạn chế, Hiệp hội Golf Việt Nam chưa thể tổ chức riêng một giải đấu chuyên nghiệp ở tầm quốc gia mà mới chỉ dừng lại ở việc ghép thêm một bảng Chuyên nghiệp trong giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng với mức tiền thưởng còn khiêm tốn.
Cuối năm 2016, Hiệp hội Golf Việt Nam đã quyết định tổ chức Giải Vô địch Golf Chuyên nghiệp Quốc gia song song với giải Vô địch Golf Đối kháng Quốc gia tại sân golf BRG Ruby Tree, TP Hải Phòng. Tuy mức tổng giải thưởng mới chỉ có 100 triệu đồng, giải đấu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tay golf Chuyên nghiệp và các tay golf không còn tình trạng Nghiệp dư. Nối tiếp thành công của giải đấu này, các giải golf Vô địch Chuyên nghiệp Quốc gia 2017 và Vô địch Chuyên nghiệp Quốc gia 2018 được tổ chức với giá trị tiền thưởng ngày càng cao hơn, công tác tổ chức và chuyên môn được chú trọng hơn. Những trận so tài được đánh giá cao và đầy gay cấn khi những vị trí dẫn đầu có sự thay đổi liên tục, thể hiện tinh thần thi đấu quyết liệt của các tay golf tham dự giải. Ba tay golf Vô địch qua các năm lần lượt là Lê Hữu Giang, Nguyễn Hữu Quyết và Nguyễn Văn Bằng.
Ông Phạm Thành Trí đang là người có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển golf chuyên nghiệp của VGA (Ảnh: Duy Dương)
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay để có thể tổ chức một giải golf Chuyên nghiệp Quốc gia có quỹ giải thưởng lớn chính là khó khăn trong công tác vận động tài trợ. Dự kiến trong thời gian sắp tới, Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác là các công ty, tập đoàn lớn để tìm kiếm nguồn tài trợ thường xuyên, tạo điều kiện cho việc tổ chức một hệ thống nhiều giải Chuyên nghiệp trong một năm. Ngoài ra Hiệp hội Golf Việt Nam cần sự ủng hộ của Giới truyền thông để có thể đưa thêm nhiều thông tin về Giải golf Chuyên nghiệp Quốc gia đến khán giả. Năm 2018 Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ tổ chức thêm hai giải golf chuyên nghiệp nữa vào tháng 9 (cùng với giải Vũng Tàu Open) và cuối tháng 11 (trong Đại hội thể dục thể thao toàn quốc môn golf). Hiệp hội Golf Việt Nam còn phối hợp với Asia tour tổ chức Giải golf chuyên nghiệp thế giới vào tháng 12 tại Hồ Tràm với tiền thưởng lên tới 1 triệu USD (trong đó sẽ có nhiều golfer chuyên nghiệp và nghiệp dư được tham dự).
Nguyễn Văn Bằng là nhà vô địch giải chuyên nghiệp VĐQG 2018 trên sân SAM Tuyền Lâm (Ảnh: Duy Dương)
Ba năm mới chỉ được coi là những bước khởi đầu của một chặng đường dài, song những gì mà Hiệp hội Golf Việt Nam và Ban tổ chức giải Vô địch Golf Chuyên nghiệp Quốc gia đã làm được sẽ là những bước đệm vững chắc để phong trào golf Chuyên nghiệp tại Việt Nam được cổ vũ và phát triển hơn nữa. Chỉ khi có golf chuyên nghiệp và có bản quyền truyền hình thì phong trào golf Việt Nam mới phát triển được.
Golfedit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.