Thứ 4, 15 Tháng 1 2025

“Golf là trò chơi lạ lùng. Tôi mất gần 40 năm mới phát hiện ra rằng tôi không có khả năng chơi golf” - Ted Ray

Luật chơi golf
GolfEdit GolfEdit
January 29, 2016, 14:41 pm

Đánh giá độ khó của sân golf qua Course rating & Slope rating

Đánh giá độ khó của sân golf qua Course rating & Slope rating

1, Course rate:

Course Rate là giá trị mô tả độ khó của sân golf được đưa ra bởi USGA. Giá trị dùng để ước lượng số gậy một “người chơi tiêu chuẩn” (Scratch golfer) cần phải thực hiện để hoàn tất 18 hố trong điều kiện mặt sân và thời tiết trung bình. Giá trị độ khó của sân (hoặc từng tee) được quy đổi về thập phân và dựa trên chiều dài đường đánh, hiệu quả của cú đánh và các chướng ngại vật khác đối với người chơi. Ví dụ một sân golf có Course rating là 74.8 có nghĩa một “người chơi tiêu chuẩn” sẽ mất trung bình 74.8 gậy để hoàn tất. Hầu hết các sân golf có Course rating giao động từ 60 đến 75.

“Người chơi tiêu chuẩn” (Scratch golfer) nếu là nam giới thì phải là một tay golf nghiệp dư có HDC là 0, phát bóng trung bình 250 yards, đánh 2 gậy lên green ở đường 470 yards. Nếu là nữ thì phải phát bóng được 210 yards và đưa bóng lên green bằng 2 gậy ở đường dài 400 yards.

Những sân golf tham gia hệ thống USGA Handicap System (toàn bộ sân golf ở Việt Nam) đánh giá Course rate theo từng nhóm tee như tee đầu tiên, tee kế tiếp, tee giữa, tee cuối… Ngoài ra, Course rate còn phân chia theo giới tính. Ví dụ: Tee trắng: 67,5 đối với nam/ 71,5 đối với nữ. (Tham khảo bản quy đổi Course rate & Slope rate cho người chơi nữ trên teebox chưa được đánh giá)

Những người chơi golf đều biết chỉ số Course rate khá quan trọng đối với việc tính HDC. Tuy vậy, không phải sân golf nào cũng được chính USGA đánh giá, kiểm tra thường niên và cập nhật chỉ số độ khó của sân Course rate.

2, Slope rating:

Slope rate được tính từ giá trị khác biệt giữa Bogey rate và Course rate trên từng loại tee. Slope rate được thể hiện bằng số nguyên và thường dao động trong khoảng 55-155. Một sân golf có độ khó tiêu chuẩn sẽ có Slope rate là 113, đây cũng là hằng số trong tính toán HDC cho người chơi ở các sân có độ khó khác nhau.

Nói cách khác, Course rate thể hiện mức độ khó khăn mà một sân xác định gậy ra cho “người chơi tiêu chuẩn” còn Slope rate thể hiện mức độ khó khăn của sân gây ra cho “người chơi bogey”. Nếu bạn cảm thấy chưa rõ ràng thì có thể hiểu nôm na rằng USGA Course rate nói lên độ khó của sân dành cho những người chơi tốt nhất còn USGA Slope rate nói lên độ khó ở mức độ người chơi phổ thông như tôi chẳng hạn.

“Người chơi bogey (bogey golfer) nếu nam giới là người chơi có handicap khoảng 20 trên một sân có độ khó tiêu chuẩn. Yêu cầu đối với người này phải phát bóng trung bình 200 yards và đưa bóng lên green trong vòng 2 gậy ở đường dài 370 yards. Nếu là nữ, yêu cầu handicap khoảng 24, phát bóng được 150 yards và đưa bóng lên green trong vòng 2 gậy ở đường dài 280 yards.”

“Bogey rate là giá trị thể hiện sự khó khăn của người chơi bogey trong điều kiện giả định rằng mặt sân và thời tiết bình thường. Cũng như Course rate, Bogey rate thể hiện số gậy một người chơi bogey cần phải đánh để hoàn tất vòng đấu qua con số thập phân. Ví dụ: 92,1. Chỉ số Bogey rate phụ thuộc vào chiều dài đường đánh, hiệu quá của những cú đánh và những chướng ngại vật đối với người chơi bogey.”

Giá trị tối thiểu của Slope rate là 55 và tối đa là 155 và cho sân golf có độ khó trung bình là 113. Tuy vậy Slope rate không liên quan mật thiết đến số gậy của người chơi nhưng giống như Course rate, Slope rate cũng được tính theo từng nhóm tee, từng sân (9 hố) và có chia ra độ khó cho người chơi nữ riêng.

Chiều dài đường đánh: Đây là yếu tố quyết định độ khó quan trọng nhất. Nó không phải là chiều dài đường golf trên thực tế mà là chiều dài mà người chơi phải thực hiện để hoàn tất đường golf đó.
Bóng lăn: Bóng lăn được bao nhiêu xa sau khi phát bóng?
Độ dốc: Đường golf lên dốc hay xuống dốc tính từ tee lên green và dốc bao nhiêu?
Cua ngoặt và chướng ngại vật trước điểm bóng rơi.
Gió: Gió có đổi hướng và có tác động đến đường bóng hay không?
Độ cao: Thường để phân biệt sân golf ở đồng bằng với những sân có độ cao từ 600m so với mực nước biển trở lên.
Các yếu tố gây trở ngại (bẫy) ở khu vực bóng rơi ở cả người chơi tiêu chuẩn và người chơi bogey.
Địa hình: Địa hình quyết định vùng bóng rơi và hướng đánh bóng của người chơi lên green.
Fairway: Độ khó tính bằng số lượng bóng nằm trên fairway trong khi đánh bóng từ tee lên green. Các yếu tố khác bên trong bao gồm bề rộng khu vực rơi bóng, độ nghiêng trung bình và bề rộng fairway.
Green: Độ khó của green xác định bằng cách đánh bóng lên green, tổng hợp giữa kích thước green và chiều dài của cú đánh bóng từ vị trí tiêu chuẩn lên green (vị trí bóng rơi cuối hoặc teebox).
Rough và vùng đệm: Đánh giá bằng độ khó khi cứu bóng từ khu vực này. Giá trị này cũng phụ thuộc vào giá trị độ khó của green.
Bẫy cát: Hố cát quanh green được đánh giá bằng diện tích che phủ và độ sâu. Hố cát fairway chỉ tính số lượng và không có giá trị độ khó cao như hố cát quanh green. Giá trị này cũng phụ thuộc vào giá trị độ khó của green.
O.B, cỏ dài: Độ khó được tính bằng khoảng cách từ trung tâm vùng bóng rơi đến O.B hoặc cỏ dài. Các yếu tố ảnh hưởng có tính đến cả đường nội bộ và hàng rào.
Bẫy nước: Độ khó các kiểu bẫy nước dựa trên sự nguy hiểm sau mỗi cú đánh. Chính xác hơn là khoảng các giữa trung tâm khu vực bóng rơi hoặc green đến bẫy.
Cây xanh: Yếu tố độ khó quyết định bởi chiều dài cho phép thực hiện cú đánh và khả năng cứu bóng nếu như chạm phải cây. Ngoài ra còn xem xét tới vị trí, quy mô và mật độ trồng cây.
Mặt green: Khác với yếu tố bề rộng của green, yếu tố này quan tâm đến độ khó của một người chơi gạt bóng. Trong đó giá trị quan trọng nhất là tốc độ bóng (trong một khoảng thời gian nhất định. Đây cũng là lý do độ khó của sân phải được kiểm tra thường xuyên chứ không phải làm một lần, áp dụng mãi mãi như các sân ở Việt Nam).
Tâm lý: Giá trị từ ảnh hưởng tổng hợp của điều kiện sân bãi, chướng ngại vật tác động đến người chơi. Giá trị này đơn thuần là tính toán và sẽ bổ sung sau khi đánh giá về sân golf kết thúc.
Các yếu tố trên được đánh giá từ 1-10 phụ thuộc vào cách những người tham gia đánh giá tìm cách hoàn tất vòng đấu. Khi đánh giá hoàn thành, số liệu cho các yếu tố được tổng hợp và tính toán theo công thức phù hợp để cho ra giá trị độ khó cho sân golf cần thiết (sẽ giới thiệu trong phần 4).

USGA khuyến nghị các sân golf nên thường xuyên cập nhật độ khó của sân. Với sân golf mới nên cập nhật 3 năm/lần trong 10 năm đầu, sau đó thì 10 năm/lần. Nhưng với những trường hợp thay đổi lớn trong sân golf thì yêu cầu phải tái đánh giá ngay, vì dụ các trường hợp: Thay đổi vị trí tee, thay đổi bề mặt và kích thước green, bỏ hoặc thêm hố cát cũng như chướng ngại vật, O.B, cây…

Khi đánh giá độ khó của một sân golf, 10 yếu tố sau được coi là yếu tố gây trở ngại: Địa hình, dễ hay khó đưa bóng lên fairway, xác suất đánh lên green từ fairway, khả năng rơi vào và cứu bóng khỏi rough, độ khó và xác xuất lọt vào hố cát, xác suất bị O.B, độ khó của bẫy nước, tác động của cây xanh, tốc độ của green. Cuối cùng là yếu tố tổng hợp bao gồm cả tác động tâm lý của tất cả các yếu tố. Những yếu tố này được đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10, sau chi chấm điểm sẽ được tổng hợp thành “Mức độ trở ngại gây ra cho người chơi”.

Nhóm đánh giá thường có từ 4 người trở lên gồm 2 người chơi tiêu chuẩn (một nam, một nữ) và 2 người chơi bogey (một nam, một nữ). Họ sẽ chơi tất cả các tee và chấm điểm để tổng hợp tính toán theo công thức:

Course Rate = Yardage rate của người chơi tiêu chuẩn + Mức độ trở ngại gây ra cho người chơi tiêu chuẩn
Bogey Rate = Yardage rate của người chơi bogey + Mức độ trở ngại gây ra cho người chơi tiêu chuẩn
Riêng cách tính Slope rate có phần phức tạp hơn khi phân biệt rõ ràng giữa nam và nữ.
Slope rate của nam giới = 5.381 x (Bogey rate – Course rate)
Slope rate của nữ giới = 4.24 x (Bogey rate – Course rate)
Rất nhiều người nghĩ sân golf có Slope rate càng cao thì càng khó. Điều này đúng nhưng không hoàn toàn chính xác vì độ khó của Slope rate tỉ lệ thuận với độ khó của sân golf nhưng mức độ trở ngại lại khác nhau ở người chơi bogey (HDC=20) và người chơi tiêu chuẩn (HDC=0). Ví dụ: Đường par 4, 480 yards, dogleg trái ở cự ly 250 yards thì người chơi bogey có thể mất đến 5 gậy để hoàn tất còn người chơi tiêu chuẩn có thể chỉ mất 3 gậy vì có thể đánh tắt.

Theo Golfvn.net/ Tác giả: Em StockPro

7