Thứ 6, 29 Tháng 3 2024 Hà Nội °C

“Golfer hay đổ thừa cho những trận đấu đấu tệ nhưng lại nhận trách nhiệm khi có được cú Hole in one” - Martha Beckman

Khám phá

Hãy để Golf luôn là môn thể thao đẹp

Hãy để Golf luôn là môn thể thao đẹp

Gôn, như mọi người thường nói, là môn thể thao quý tộc, không phải bởi dành cho người thừa tiền lắm của, mà bởi tinh thần mã thượng, tôn trọng bạn chơi, luật chơi và đề cao sự công bằng. Tuy nhiên, trên sân gôn cũng xảy ra nhiều trái ngang mà đạo đức của môn thể thao này không cho phép, lắm lúc làm cho cuộc chơi không còn đẹp lung linh nữa.

Gần đây làng gôn đất Việt rộ lên chuyện một gôn thủ gian lận trong một giải gôn ở miền Trung để được đi nước ngoài. Anh chàng này hôm đó đánh được âm 6 gậy, nên dẫn đầu bảng. Khi xướng tên người lĩnh giải, bạn chơi cùng nhóm mới giật mình: đánh bể thế sao có kết quả tốt vậy? Thì ra khi kết thúc cuộc chơi, mọi người không để ý mà vẫn ký bảng điểm của nhau, dù kết quả không đúng như thực tế. Tranh cãi lập tức nổ ra, cả ngoài đời lẫn trên diễn đàn mà người đó là thành viên. Trước bằng chứng xác thực, người này đồng ý là đã ghi sai bảng điểm và đồng ý sẽ thông báo cho Ban tổ chức biết để hủy kết quả. Chuyện chỉ có vậy, và mọi người để nó chìm vào lãng quên vì dù sao người sai cũng đã nhận lỗi, có biện pháp sửa sai. Đột nhiên gần đây chuyện này lại bị xới lên ầm ĩ. Thì ra, anh chàng kia đang chuẩn bị xách gậy sang “xứ chuột túi” đánh gôn, như là một phần thưởng từ trò gian lận mà mình chủ xướng. Những người yêu gôn, kể cả bạn thân anh chàng kia không chấp nhận cách ứng xử đó và tẩy chay không chơi chung, không làm bạn nữa. Diễn đàn gôn kia ra bức thư chối bỏ tư cách thành viên của người này như một lời cự tuyệt với thói gian lận và thiếu tinh thần cao thượng. Lúc trà dư tửu hậu, bạn hỏi: “Nói thật, mày ăn gian mấy gậy”. Trả lời: “Chỉ 2 gậy thôi, 4 gậy kia xin”. Xin – cho đàng hoàng không phải gian lận đâu nhé! Mà những chuyện này không phải không phổ biến. Nhiều đến nỗi, tại một số giải, người ta có thể điểm danh nhóm nào có triển vọng đoạt giải nhất bởi nhóm đó toàn là bạn thân, họ có thể đồng lòng ghi toàn điểm tốt cho nhau. Điều buồn cười ở chỗ, có nhóm đoạt luôn giải nhất, nhì, ba của bảng. Ban tổ chức chẳng có cách nào khác buộc phải cài caddy “nhà” vào đó để theo dõi. Bạn của người viếtkể, trong một giải chung kết gôn, một người chơi chung vừa có điểm bogey xong đề nghị: “Em ghi par anh nhé. Còn của anh ghi gì cũng được, mình ở khác bảng mà, lo gì”. Điều này không hiếm đâu và có người đã gật đầu hoặc nhắm mắt làm ngơ. Vì cái lợi trước mắt, con người dễ thỏa hiệp lắm. Đó cũng là lý do mà gần đây các giải gôn được tổ chức sao cho các gôn thủ cùng bảng đánh chung nhóm, cũng là cách giám sát lẫn nhau khi mà sự không ngay thẳng vẫn còn tồn tại đâu đó trong cộng đồng chơi gôn.

Tại một giải gôn ở khu vực Đồng Nai cách đây khá lâu, có một chuyện tương đối hi hữu. Do có khiếu nại từ người chơi gôn nên Ban tổ chức vào cuộc, tra hỏi caddy, mới hay gôn thủ nọ cố ý quên ghi rất nhiều gậy, thậm chí còn đánh thử trên fairway. Bạn chơi cùng nhóm dường như quen việc này rồi nên không phản đối. Để mang lại công bằng cho người khác, Ban tổ chức buộc phải đến tận nhà thu hồi lại Cup nhất bảng và đồng hồ thưởng đi kèm. Cup thì trả, còn đồng hồ thì nói không được vì đã lỡ cho tài xế. Điều bất ngờ là người đứng kế sau gôn thủ này trên bảng xếp hạng lại là nhà tài trợ đồng hồ. Cuối cùng, trước sự quyết liệt của Ban tổ chức, Cup và phần thưởng bằng hiện vật được thu hồi và trao cho người xứng đáng. Ăn gian trong thi đấu đã là tệ rồi, còn mang bạo lực lên sân gôn thì môn thể thao này lại mang tiếng xấu khó phai mờ. Đó là việc một chuyên viên cấp vụ ở một cơ quan nhà nước đã ra đòn khiến caddy phải nhập viện khẩn cấp.

Rõ ràng đạo đức đã có biểu hiện xuống cấp, từ xã hội nay len lỏi đến tận sân gôn, nơi mà ứng xử và đạo đức còn được đề cao hơn cả luật lệ. Hẳn nhiên việc này làm xấu hổ những người chơi gôn chân chính và ai cũng lên án. Khi chuyện xảy ra, nhiều người giật mình thấy chẳng cá biệt lắm, xuất hiện nhiều trên sân gôn dù ở cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Hoặc thậm chí có gôn thủ còn nhảy bổ vào nhau trên green chỉ vì tiếng bấc tiếng chì. Rồi từ mặt nhau, chẳng bạn bè từ đây. Nói đi cũng phải nói lại. Khi việc gian lận hay sự xuống cấp trong hành xử với nhau sinh sôi thì những người tử tế cũng có phần lỗi. Nhiều người chơi cùng thấy bạn mình gian lận, hay cư xử chưa phải phép cũng chép miệng cho qua, “ôi dào, không phải chuyện của mình, tính nó thế”. Nhiều người khi ký vào bảng điểm mà không chú ý kiểm tra, so sánh, đến khi có chuyện thì lên tiếng phản đối. Điều này đã đẩy Ban tổ chức vào thế khó xử. Bởi theo luật, bảng điểm đã được ký và nộp hợp lệ nên không thể hủy kết quả. Vụ việc xảy ra ở sân gôn miền Trung vừa qua để tranh giải đi “xứ chuột túi” đánh gôn là minh chứng điển hình cho trường hợp này. Sự dung túng hay thỏa hiệp, dù vô tình hay cố ý của bạn chơi gôn dĩ nhiên để lại hệ lụy tiêu cực cho môn thể thao đầy tính cao thượng này. Chẳng ai yêu thích hay khuyến khích sự nảy mầm và phát triển của tiêu cực nên mỗi thành viên chơi gôn cần có thái độ ứng xử đúng đắn, luôn nói không với cái xấu dù trên sân gôn hay ngoài sân gôn. Và xin đừng nhắm mắt làm ngơ nữa, vì như vậy, mình cũng có phần lỗi với người khác và sự phát triển lành mạnh của môn thể thao mới mẻ này.

(Phương Nghi - Tạp chí Golf Ngày Nay số 48)

Tin liên quan: Khám phá

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi