Thảo luận sôi nổi tại tọa đàm phát triển golf trẻ của Hội golf tp Hà Nội
Đây là lần thứ 2 Hội golf Hà Nội tổ chức tọa đàm sau sự kiện dành cho các TTK các CLB năm 2024. Đây không chỉ là dịp để các nhà hoạch định chính sách, điều hành quản lý golf lắng nghe các ý kiến mà còn là cơ hội để các phụ huynh, các nhà đầu tư cũng như truyền thông golf bày tỏ những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình phát triển golf trẻ. Tọa đàm có sự góp mặt của đông đảo các diễn giả, khách mời đặc biệt phải kể đến: ông Vũ Nguyên (PCT, TTK Hiệp hội golf Việt Nam), ông Nguyễn Tô Ninh (PCT Hiệp hội golf Việt Nam, CT Hội golf tp Hà Nội), ông Đặng Tất Thành (PCT, TTK Hội golf tp Hà Nội), ông Vũ Phương (Chủ tịch trung tâm quảng bá và phát triển golf Việt Nam), ông Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Vinh Quang Group, sáng lập Special Tour), đại diện sân golf SkyLake, các HLV, báo chí truyền hình, và đông đảo các phụ huynh cùng các vận động viên Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Đặng Minh, Nguyễn Vũ Quốc Anh cũng góp mặt.
Tọa đàm phát triển golf trẻ Hà Nội.
Với tinh thần ghi nhận những thành quả đáng trân trọng, ông Vũ Nguyên đã điểm qua các dấu mốc đã đạt được trong 10 năm qua phát triển golf trẻ như số lượng golfer nhí ngày một tăng, tham dự đông đảo, hệ thống giải đấu VGA Junior Tour đã nâng lên thành 10 chặng mỗi năm, giúp các golfer trẻ có môi trường để cọ xát. Ông Nguyên cũng không quên nhắc tới chiến tích lịch sử của golf Việt Nam khi mang về 3 bộ Huy chương tại SEAGames 32. Mặc dù vậy, golf trẻ Việt đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó việc thiếu hụt các thành viên mới tham gia, đặc biệt từ U6-10.
Ông Vũ Nguyên - Phó CT, TTK Hiệp hội golf Việt Nam.
HLV Hà Nguyễn đến từ Hà Nguyễn Accademy chia sẻ: "Hiện tại golf trẻ Việt Nam đang thiếu trầm trọng thế hệ kế cận để học golf, lứa tuổi Vàng để học tập golf 4-14 tuổi. Ngoài việc golf vẫn đang là bộ môn khó tiếp cận về mặt tài chính, định kiến thì những cản trở từ việc thiếu sự đồng hành, khuyến khích từ các phụ huynh. Nếu có thì phần lớn đều là sự mò mẫm, tập luyện tự thân mà không có giáo trình, giáo viên chuyên nghiệp. Một điều khó nữa chính là làm sao truyền được tình yêu golf cho các con"
HLV Nguyễn Trung Thu, đến từ trung tâm HLV Golf Hà Nội nói: "Có nhiều rào cản đang khiến các golfer trẻ khó tiếp cận golf trong đó vấn đề về phí tập, chơi golf. Bên cạnh đó, quy chế của nhà trường nơi các em theo học đều quy định không được vắng mặt quá 45 buổi trên lớp. Với thời gian này thì rất khó để các em có thể dấn thân vào tập luyện golf chuyên sâu. Với trung tâm huấn luyện thể dục thể thao bộ môn golf mà chúng tôi phụ trách, nguồn ngân sách của nhà nước dành cho các vận động viên golf chiếm 10% trong khoản chi phí các golfer trẻ cần có, nguồn lực tiềm lực chính là từ gia đình và các nhà tài trợ"
Bố của Nguyễn Anh Minh, ông Nguyễn Đặng Sơn, người theo suốt hành trình phát triển golf của con cho đến ngày hôm nay, hiểu rõ việc phát triển một golfer trẻ là chặng đường gian nan: "Rất khó để thống kê hóa được một khoản chi phí cụ thể để nuôi dưỡng đam mê chinh phục golf của một golfer trẻ. Nhưng tôi có thể nói đó là một con số rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các đơn vị nhãn hàng thì gần như quá khó để các vận động viên golf thành danh. Con đường trở thành một golfer chuyên nghiệp trên Tour là quá khắc nghiệt nhưng không vì thế mà chúng ta nản. Vẫn còn rất nhiều những công việc khác trong ngành công nghiệp golf hiện nay đang cần nhân sự có chuyên môn, trình độ như làm HLV, quản lý,tổ chức điều hành. Một ý quan trọng nữa tôi rất mong muốn bao lâu nay chính là việc đẩy mạnh truyền thông phổ cập golf rộng rãi hơn nữa đến công chúng, để mọi người có cái nhìn tích cực thiện cảm hơn với golf. Đây là môn rất tuyệt vời và mang lại vô số lợi ích từ hữu hình đến vô hình"
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Duy Linh – TTK Hanoi Golf Junior mong muốn có sự hỗ trợ từ các nhãn hàng golf, các sân golf, các công ty tập đoàn tới golf trẻ. Anh cũng mong muốn các phụ huynh cũng nên dành thêm thời gian cho các cháu đã chơi golf cơ hội lên sân golf nhiều hơn.
Là người song hành, tổ chức và tài trợ nhiều giải đấu lớn, ông Nguyễn Hồng Vinh - nhà sáng lập Special Tour phát biểu: "Vẫn có tâm lý phân biệt thậm chí kỳ thị với golf, vì vậy việc truyền thông là điều rất quan trọng để mọi người hiểu và có nhận thức đúng đắn về golf. Để các nhà tài trợ quan tâm nhiều hơn, sẵn sàng đầu tư thì rõ ràng công tác hình ảnh, truyền thông phải được đẩy mạnh".
Trong khuôn khổ hội thảo, với nội dung cốt lõi là nhằm thu hút thêm những golfer trẻ tham gia golf, ông Nguyễn Tô Ninh - Chủ tịch hội golf tp Hà Nội đã chia sẻ về 5 việc làm cần thiết, bao gồm: đẩy mạnh phát triển các trung tâm, học viện golf, nâng cao chất lượng HLV. Kêu gọi đầu tư thêm nhiều sân golf để các golfer ngày càng dễ tiếp cận. Trước mắt cần chung tay giữa các cơ quan quản lý, các sân golf nhằm tạo ra những mức giá và chi phí phù hợp cho các golfer trẻ theo độ tuổi quy định. Ông Ninh cũng cho biết việc thành lập quỹ phát triển golf trẻ Việt Nam cần phải triển khai sớm, để phát hiện tài năng, dễ dàng động viên, tập trung khuyến khích thi đấu. Một yếu tố nữa không thể thiếu chính là các hoạt động vinh danh tới các phụ huynh, vận động viên các nhân tố có đóng góp đầy ý nghĩa cho golf trẻ.
Ông Nguyễn Tô Ninh - PCT VGA, Chủ tịch Hội golf tp Hà Nội.
Một chia sẻ rất thú vị đến từ ông Vũ Phương - Chủ tịch VNCenter về việc đưa golf và trường học: "VNCentre có một tham vọng là tạo ra 1 triệu người chơi golf, mặc dù chúng tôi biết đó là nhiệm vụ khó khăn và cần thời gian dài. Tuy nhiên trung tâm quảng bá và phát triển golf Việt Nam đã có kế hoạch phổ cập đưa golf vào trường học là một trong các hoạt động phát triển golf. Bắt đầu với chương trình dạy Snag Golf để các bạn trẻ dễ chơi và từ đó sẽ có tình yêu đến bộ môn này. Tôi rất vui khi mà các trường học đang đồng hành hỗ trợ cho dự án từ trường quốc tế, tư thục và một số trường công lập đều rất hưởng ứng dự án này"
Trong thời gian qua, VNCentre đã đào tạo được 5000 golfers nhí trong các trường học (chương trình hoàn toàn miễn phí khi triển khai đào tạo tại các trường). Trung tâm cũng đào tạo các giáo viên thể chất của các trường học để các giáo viên trực tiếp là người đào tạo cho học sinh tại trường. Đây là những bước đầu khá thành công cho dự án. VNCentre cũng gửi đề nghị tới Hiệp hội golf Việt Nam và Hội golf địa phương để có thể làm việc với Bộ giáo dục, Bộ Văn Hóa Thể Thao Du lịch và Sở giáo dục tại các địa phương nhằm ủng hộ và đẩy mạnh cho phát triển golf trẻ.
HLV Golf John Davison với kinh nghiệm trên 30 năm đào tạo cho golf trẻ trên toàn thế giới đã tóm tắt về hành trình cho một đứa trẻ chơi golf cho đến khi lớn lên. Ông nói rằng, ở Mỹ đều có một lộ trình rất rõ ràng và chi tiết cho từng lứa tuổi. Từ 2-3 tuổi đã có thể cho tiếp xúc với golf thông qua các hướng dẫn cơ bản với dụng cụ chuyên biệt, nhưng chỉ mang tính chất giới thiệu. Từ lứa tuổi 5-6 đã có thể truyền đạt dần kỹ năng cơ bản như cách cầm gậy, thế đứng, swing..nhưng chủ yếu là tập trung vào sự vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Giai đoạn 6-9 tuổi là học cách chơi cụ thể nhưng không quan trọng điểm số. Từ 10 tuổi trở lên: Cải thiện kỹ năng để thực sự chuẩn bị thi đấu. Bắt đầu thực sự học golf một cách nghiêm túc.
Nguyễn Thị Minh, đại diện sân golf Skylake phát biểu: "Sân golf sẵn sàng chia sẻ với các tổ chức phát triển golf trẻ trong việc hỗ trợ về chi phí tập luyện đánh golf tại sân.Nhưng hiện tại chúng tôi cũng gặp khó khăn trong đó vấn đề thuế phí của sân golf ngoài VAT 10% thì còn 20% thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến cho chi phí chơi golf hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Cần có các hành động thực tế, sự chung tay từ các cơ quan sở ban ngành nhà nước, các sân golf, các trung tâm huấn luyện để cùng nhau góp phần phát triển cho golf trẻ."
Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới nhưng với sự quan tâm thúc đẩy phát triển golf trẻ khắp mọi nơi, golf Việt Nam tin tưởng sẽ đạt thêm nhiều bước đột phá trong tương lai.
GolfEdit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.