Thứ 5, 16 Tháng 5 2024 Hà Nội °C

"Thành công của golf game phụ thuộc vào sức mạnh của trí óc và tính cách hơn là sức mạnh của cơ thể." - Arnold Palmer

Câu chuyện

Nguyễn Đức Sơn: Sư tử núi 'nhảy nước kiệu' trong game đấu của mình

Nguyễn Đức Sơn: Sư tử núi 'nhảy nước kiệu' trong game đấu của mình

Nguyễn Đức Sơn đã trở thành nhà vô địch Faldo Series Asia Grand Final phiên bản lần thứ 15 trong lịch sử. Những mốc 5-10-15 hay sắp tới là 20 luôn là những con số đẹp mà ai cũng mong muốn điền tên mình vào. Và Nguyễn Đức Sơn đã là cái tên đầy xứng đáng ghi danh vào mốc quan trọng ở một sự kiện golf trẻ danh tiếng của châu Á - Faldo Series Asia Grand Final.

Nguyễn Đức Sơn - Lựa chọn con đường golf 

Nói về Nguyễn Đức Sơn hay Lion Sơn thì nhiều người trong làng golf Việt nhắc đến một cậu bé được cha mẹ cho lựa chọn từ khá sớm: chọn golf hay chọn học. Nguyễn Đức Sơn đã chọn golf để gắn bó hoàn toàn thời gian vào môn thể thao này. Với sự đầu tư lớn của gia đình, thì rõ ràng áp lực cũng không nhỏ khi Sơn cũng cần phải khẳng định bằng những danh hiệu, thành quả đạt được. Nhưng golf vốn không dễ và thành công không thể đến trong một sớm một chiều. Thậm chí cũng khó có thể biết khi nào sẽ đến ngày hái quả.

Với thế hệ cùng trang lứa đã và đang khẳng định được mình trong làng golf Việt như Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng hay Nguyễn Đặng Minh với tấm HC SEAGames, các danh hiệu lớn nhỏ thì Nguyễn Đức Sơn phần nào bị bỏ lại phía sau. Khó khăn trở ngại có và thậm chí niềm tin lung lay không ít lần. Nhưng những nỗ lực, sự chăm chỉ và không ngừng cải thiện bản thân bên cạnh sự đồng hành của cha mẹ, Lion Sơn đã sẵn sàng bước ra khỏi khu rừng, để bắt đầu những chuyến đi săn ở phía chân trời mới. Và những danh hiệu đến theo một cách mà người ta nói: điều gì đến sẽ phải đến.

DucSonFaldo2_1

Nguyễn Đức Sơn ôm cha mình sau chiến thắng ở Faldo Series Asia Grand Final 2024. Ảnh: Ngọc Lân Trần/VGA

Chiến thắng đến sau những năm tháng chờ đợi

Nguyễn Đức Sơn bắt đầu có những chiến thắng đến từ chặng VGA Junior Tour của năm 2023. Cũng trong năm này, Nguyễn Đức Sơn đã khẳng định mình khi đoạt HCV ở bảng Lion City Cup khi vượt qua 20 đối thủ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực ở sự kiện kỷ niệm 60 năm Putra Cup. Thật trùng hợp khi chính biệt danh Lion của Sơn lại cùng với tên bảng đấu Lion City Cup. Không phải là một ngôi sao nhưng Sơn trở thành một đại sứ mới của đoàn thể thao golf Việt Nam tại giải đấu uy tín này.

Tham dự ở Faldo Series Asia Grand Final năm 2024, giải đấu kỷ niệm lần thứ 15 và lịch sử đã gọi tên Nguyễn Đức Sơn. Một chiến thắng đầy kịch tính, cảm xúc cho đại diện của Việt Nam. Nhưng với Nguyễn Đức Sơn thì câu nói của chàng trai này sau chức vô địch: 'Chiến thắng của cháu quá may mắn'.

Đó là câu trả lời rõ ràng mạch lạc không một chút phân vân gì của Nguyễn Đức Sơn khi trò chuyện với tôi vào buổi sáng sớm ở Laguna Lăng Cô sau ngày dăng quang Faldo Series Asia Grand Final. Sơn cho biết: 'Chú cũng thấy đó, cháu mắc bogey hố 16 và rơi lại phía sau các bạn. Thế nhưng hố 17, hai golfer HongKong và Nhật Bản bất ngờ có những cú phát tệ để rồi mắc những điểm số đáng tiếc. Rõ ràng cháu quá may mắn khi đối thủ đánh hỏng ở thời điểm này.'

Rõ ràng trong golf yếu tố may mắn là điều quá quan trọng kể cả bạn là người chơi đạt phong độ hay là golfer số 1 thế giới đi chăng nữa. Nhưng nếu nhìn vào toàn cảnh cả giải đấu, Nguyễn Đức Sơn cho thấy những phẩm chất của một chiến binh thực sự. Duy trì các vòng đấu âm ở cả 3 ngày một cách ổn định mặc dù ở vòng đấu có sự lên xuống. Vòng đấu số 2 ghi nhiều birdie ở đường đầu nhưng rồi mắc 4 bogey liên tiếp sau đó. Bản thân Nguyễn Đức Sơn vẫn một mực nói rằng: 'Cháu biết cháu đang đánh tệ thời điểm mắc bogey, nhưng cháu kệ vì có cố thì cũng không xoay chuyển được, kệ nó để mình vượt qua'. Tôi lại hỏi: 'Vậy loạt birdie đường trước đó thì sao". Sơn nói: 'Cháu may mắn đấy chú, thực sự cháu cũng không tin mình làm được điều đó'.

Dám cười ở những thời điểm căng thẳng

DucSonFaldo

Nguyễn Đức Sơn với chức vô địch Faldo Series Asia Grand Final 2024. Ảnh: Ảnh: Ngọc Lân Trần/VGA

Bước vào ngày chung kết, Nguyễn Đức Sơn thi đấu cùng Masato Sumiuchi và golfer dẫn đầu sau 2 vòng là Wang Ngai Shen. Họ đều là những tay golf nghiệp dư xuất sắc của quốc gia. Trong đó Masato Sumiuchi đứng vị trí 84 nghiệp dư thế giới, người mà Nguyễn Đức Sơn vẫn nhắc đi nhắc lại câu nói: 'Cậu ấy nói là đến đây để vô địch. Rõ ràng ngày chung kết cậu ấy đánh quá hay. Chỉ thiếu may mắn thôi'.

Sự khiêm tốn của Nguyễn Đức Sơn về sự may mắn nhưng thực tế tôi thấy chàng trai này có quá nhiều điểm hay hơn cả sự may mắn, đó chính là một phong cách thi đấu đầy cống hiến, sẵn sàng chấp nhận với cú đánh hỏng và vui mừng cũng như yêu chính những cú đánh đẹp của mình. Ở vòng chung kết, hố 18, khi Masato Sumiuchi đánh 2 on hố Par5 này để gạt eagle. Còn Nguyễn Đức Sơn cú đánh thứ 2 kéo trái vào sườn cỏ cạnh green. Cú flop bóng lên ở cực ly tầm 45 yards bóng dừng chặt trên green. Nguyễn Đức Sơn đã nhảy nước kiệu với gương mặt đầy phấn khích. Với người xem khi đó luôn thấy ở Nguyễn Đức Sơn một nguồn năng lượng đầy tích cực, nó phá tan đi những căng thẳng của mọi người. Mặc dù không ghi birdie để tự quyết chức vô địch nhưng đó chính là một trong điểm sáng giúp Nguyễn Đức Sơn sau đó tạo nên bước ngoặt sự nghiệp ở loạt playoff. Trong lúc nghỉ ngơi bước ra loạt hố phụ, Nguyễn Đức Sơn đã nhìn mọi người nói một câu: 'Hình như mọi người đang căng thẳng hơn cháu thì phải'. Chàng trai này đã nhoẻn cười, bước đi ra hố 18 để thi đấu với golfer trẻ nghiệp dư số 1 Nhật Bản.

Ở loạt hố phụ thứ 1, cả hai đều đưa bóng vào bunker. Masato Sumiuchi ở vị trí xa hơn đánh trước đưa bóng ôm cờ. Nguyễn Đức Sơn cũng không hề ngại khi có cú cứu cát thậm chí đưa bóng về gần cờ hơn. Cả hai đều ghi birdie để bước vào loạt hố phụ thứ 2. Masato Sumiuchi phát bóng kéo trái vào cát sa mạc khiến tay golf người Nhật không có tầm nhìn tốt và chia gậy đánh 3 on. Trong khi đó Nguyễn Đức Sơn ổn định ở những cú Driver sấm sét đưa bóng lên fairway. Cú đánh tấn công ở cú đánh thứ 2 đưa bóng rơi trên green lăn ra cổ phía sau. Masato Sumiuchi ở cú đánh thứ 3 đưa bóng on tốt nhưng về phía sau cờ cách hố 3 yards. Còn Nguyễn Đức Sơn với cú chip mở mặt gậy đưa bóng lăn dốc và cách hố còn hơn 1 yards. Golfer người Nhật gạt bóng lệch hố lỡ birdie và đó chính là thời điểm Nguyễn Đức Sơn đã không bỏ lỡ cơ hội của mình khi ghi điểm birdie chính xác, mang về chức vô địch Faldo Series Asia Grand Final.

DucSonFaldo4_1

Niềm vui của ban lãnh khi Nguyễn Đức Sơn giúp đội tuyển Việt Nam giữ cúp Faldo Series Asia Grand Final ở lại quê hương 2 năm liên tiếp. Ảnh: Ảnh: Ngọc Lân Trần/VGA

Nếu sâu chuỗi lại cả hành trình của Nguyễn Đức Sơn ở Faldo Series Asia Grand Final năm nay thì đó chính là sự tổng hòa của nhiều yếu tố đó là tài năng, phong độ, niềm tin, nỗ lực và cả sự may mắn. Nguyễn Đức Sơn sẽ vẫn nói chiến thắng này là may mắn, nhưng với tôi vẫn thích câu nói: May mắn đến sau những sự nỗ lực, cống hiến và khát khao. Nếu nói Nguyễn Đức Sơn là vua về nhì ở nhiều giải đấu cũng không đúng, bởi cả Nguyễn Anh Minh cũng không biết bao lần về nhì. Rõ ràng để có chiến thắng, có thành công thì ở đó các golfer cũng phải trải qua bao nhiêu lần thất bại. Với golf, đánh giá một chiến thắng hay một trận thua sẽ không phản ánh hết con đường vất vả các golfer đã trải qua. Nhưng có một điều dù ở hoàn cảnh nào, khoảnh khắc nào, hãy sống trọn vẹn với cảm xúc, tận hưởng nó với một thái độ tích cực nhất. Faldo Series Asia Grand Final không phải lại ngọn núi cao nhất, bởi phía trước còn rất nhiều những ngọn núi nữa phải leo. Tiếp tục khát khao, tiếp tục chơi golf một cách đầy 'dại khờ'.

GolfEdit.com (Theo TheGolfers.com)

Tin liên quan: Câu chuyện

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi