Thứ 5, 25 Tháng 4 2024 Hà Nội °C

“Tôi chưa bao giờ chơi một vòng mà không học được điều gì đó mới về bộ môn này cả.” – Ben Hogan

Tin tức

Trần Lê Duy Nhất: "Tôi hy vọng sẽ có Trương Chí Quân đồng hành cùng mình trên con đường chuyên nghiệp"

Trần Lê Duy Nhất:

Lần đầu tiên tôi gặp Trần Lê Duy Nhất là ở giải golf Hồ Tràm Open diễn ra vào tháng 12–2015. Có lẽ, ấn tượng đầu tiên mọi người có với anh chính là sự điềm đạm, chín chắn không dễ thấy ở các thanh niên cùng độ tuổi. Dù thi đấu bên cạnh những tay gậy nổi tiếng thế giới, Nhất vẫn không hề tỏ ra lép vế mà tập trung tính toán từng cú đánh, đưa ra chiến lược thi đấu tối ưu. Dù chưa đạt thành tích nổi bật trên “sân nhà” nhưng Duy Nhất đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ.

(Trần Lê Duy Nhất - và bạn thân Pro Coaching Phạm Minh Đức với vai trò Caddy tại giải Hồ Tràm Open - Ảnh Vietnamplus)

Lần này tôi gặp lại Duy Nhất có hơi đặc biệt hơn khi anh không phải thi đấu và tôi cũng không đứng ở vị trí của khán giả. Buổi trò chuyện của chúng tôi diễn ra khi Nhất lái xe vòng quanh những con đường Sài Gòn vào một buổi chiều đầu hè nóng bức. Vừa lái xe, Duy Nhất vừa hồi tưởng lại những chặng đường trong sự nghiệp của mình.

Chập chững vào làng golf

Mối lương duyên giữa môn golf và Trần Lê Duy Nhất bắt đầu khoảng 14 năm trước. Khi đó gia đình Trần Lê Duy Nhất được sân golf Sông Bé mời đến tham quan và làm quen với môn golf. Ông Trần Đình Luật, bố của Duy Nhất, rất thích thú với môn thể thao mới mẻ này và thường đưa con trai theo tập cho vui. Duy Nhất nhớ lại: “Ban đầu, tôi cũng không mấy thích môn golf vì không có ai cùng tuổi chơi chung và một trận golf kéo dài rất lâu. Sáu tháng sau khi làm quen với golf, tôi được gia đình cho đi du học ở New Zealand. Tình cờ, gia đình tôi ở trọ sống gần một sân golf tên Akarana nên tôi đến đó tham quan và thấy rất vui vì có nhiền bạn bè cùng tuổi chơi golf vào cuối tuần. Lúc đấy, tôi bắt đầu đánh golf với các bạn sau giờ học phổ thông. Và đó cũng là lúc tình yêu môn golf phát triển trong tôi”. Chính nhờ vậy, Duy Nhất càng hứng thú tập luyện, không ngừng nâng cao kỹ thuật và được nhiều huấn luyện viên chú ý. Bên cạnh đó, Duy Nhất cũng đạt được ngôi quán quân ở giải Maungekiekie U-15 Auckland, giải Inter-College Auckland và góp mặt trong đội tuyển golf quốc gia Việt Nam tại kỳ SEA Games 23 (2005) và Asiad 15 (2006).

Đến năm 16 tuổi, Duy Nhất chuyển sang California (Mỹ) để tiếp tục chương trình học. Tại đây, anh quen với một người bạn học tên Scott có nhà trong sân golf Bear Creek. “Scott đã mời tôi đến ở chung nhà để thuận tiện cho việc luyện tập của tôi. Thật tình cờ, vào thời gian đó, Rickie Fowler (tay gậy hiện đang xếp hạng 5 thế giới) cũng tập ở sân Bear Creek. Do Scott, Rickie và tôi bằng tuổi nhau nên thường cùng luyện tập với nhau sau mỗi buổi học ở trường và bắt đầu nhen nhóm giấc mơ trở thành golfer chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học”, anh kể.

Thừa thắng xông lên, trong năm 2007, Duy Nhất giành các danh hiệu vô địch tại giải Yorba Linda Junior, Temeku Hills mùa hè, SCPGA Junior Tour. Đến năm 2008, Nhất chiến thắng Giải Vietnam Amateur Championship với tổng số điểm +1 cho bốn vòng đấu và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2009.

Độc hành trên đường chuyên nghiệp

Sau tám năm thi đấu ở những giải chuyên nghiệp tầm cỡ châu Á và thế giới, Trần Lê Duy Nhất đã đạt được nhiều thành tích đáng nể và tích góp được nhiều kinh nghiệm thi đấu. Năm 2011, Duy Nhất trở thành người Việt Nam đầu tiên thắng một giải chuyên nghiệp tầm cỡ khu vực ở giải Singha Classic với số điểm -11 cho bốn vòng thi đấu. Năm 2015 vừa qua, Duy Nhất đã lên ngôi vô địch giải chuyên nghiệp thứ hai trong sự nghiệp là giải Ciputra Entrepreneur với số điểm -18 cho bốn vòng thi đấu.

Duy Nhất thừa nhận mình là người có duyên với những-cái-đầu-tiên. “Năm 2007, khi đang học lớp 11, Nhất đã đạt chuẩn để tham gia thi đấu ở giải golf California State Open. “Theo tôi biết thì tôi là người Việt Nam đầu tiên tham gia thi đấu ở một giải chuyên nghiệp của Mỹ, dù lúc đó chỉ thi đấu với tư cách một tay gậy nghiệp dư vì vẫn còn đi học phổ thông”, anh kể về lần-đầu-tiên đáng nhớ nhất. Năm nay, Duy Nhất trở thành người Việt Nam đầu tiên thi đấu và vào vòng chung kết hai giải chuyên nghiệp trong hệ thống Japan Tour và European Tour.

Từ khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, Duy Nhất đã đi thi đấu ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoại trừ Hồ Tràm Open, ở những giải khác, anh đều đi thi đấu một mình vì chưa có tay gậy nào khác ở nước ta đủ chuẩn thi đấu trong hệ thống chuyên nghiệp quốc tế. Duy Nhất tâm sự rằng anh rất mong Việt Nam sẽ có thêm nhiều golfer trẻ đạt được chuẩn thi đấu chuyên nghiệp để có bạn đồng hương cùng dự những giải quốc tế cho đỡ buồn.

Hiện nay, tất cả các golfer trẻ tại Việt Nam đều được đào tạo, huấn luyện từ sự đầu tư của gia đình. Để có được đẳng cấp như hôm nay, gia đình của Duy Nhất đã dốc rất nhiều tiền bạc để phát triển tài năng của anh. Bên cạnh khả năng tài chính, sự ủng hộ từ gia đình, bản thân golfer cũng phải kiên trì và có tình yêu sâu đậm với golf để có thể đi đến cùng trên con đường đến chuyên nghiệp. Duy Nhất chia sẻ: “Ngoài thời gian thi đấu, tôi còn tham gia huấn luyện cho các golfer thiếu niên. Cá nhân tôi nghĩ việc phát triển tài năng golf ở nước ta khá khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là các sân golf đều nằm xa thành phố nên người chơi phải mất nhiều thời gian di chuyển. Chương trình đào tạo bài bản đòi hỏi phải đến sân tập luyện mỗi ngày nhưng lịch học dày đặc của các em không cho phép điều đó. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng phải thực sự rất yêu golf mới có thể dành thời gian đưa đón và đầu tư chi phí cho chương trình đào tạo. Tôi thực sự nghĩ nếu muốn có một lớp golfer chuyên nghiệp trong tương lai, hãy gửi các em đi nước ngoài học tập và huấn luyện từ bé”.

Ngoài việc thi đấu và đào tạo lớp golfer kế thừa sau này, Trần Lê Duy Nhất cũng có nhiều trăn trở về phong độ của những tay gậy trẻ và các giải đấu trong nước. Anh phân tích: “Thẳng thắn mà nói so với các nước trong khu vực ASEAN, trình độ golfer ở Việt Nam đang giậm chân tại chỗ, có thể nói là có phần thụt lùi. Vì nếu không được gia đình đầu tư như tôi và Trương Chí Quân thì các golfer sẽ không có cơ hội vươn lên. Có rất nhiều người chơi golf hay nhưng hiệp hội golf và thể thao trong nước không tạo được điều kiện cho họ có nhiều giải thi đấu. Không thi đấu thì không có cơ hội đi đánh SEA Games để giành huy chương. Chỉ một giải vô địch quốc gia mỗi năm thì không đủ”. Ngày càng có nhiều người Việt Nam chơi golf hơn và họ cũng đầu tư khá nhiều cho con cái tập luyện. Nhưng đầu tư thế nào cho đúng và bản thân golfer cùng gia đình có đủ kiên nhẫn để đi hết con đường gian nan từ trường huấn luyện ra đến sân đấu chuyên nghiệp hay không lại là chuyện khác.

Tuy nhiên, golf Việt Nam vẫn có những golfer trẻ đầy triển vọng và hứa hẹn sẽ đưa golf nước nhà tiến xa hơn. “Tôi hy vọng một vài năm nữa sẽ có Trương Chí Quân đồng hành cùng mình trên con đường chuyên nghiệp. Hiện nay, Chí Quân đã được nhận vào thi đấu cho trường Đại học Bang Arizona (Mỹ), trường có đội golf hàng đầu nước Mỹ. Tay golf Phil Mickelson cũng từng theo học và thi đấu cho trường đại học này. Tôi rất vui khi nghe được tin này và hy vọng đây sẽ là bàn đạp để Chí Quân đưa golf Việt Nam tiến xa hơn”, Duy Nhất tâm sự.

Trương Chí Quân - golfer trẻ tài năng được kỳ vọng sẽ đi theo con đường golfer chuyên nghiệp của Trần Lê Duy Nhất

Trưởng thành cùng golf

Trải qua nhiều năm thi đấu, Duy Nhất đã ghi dấu ấn về tài năng của mình trong lòng người hâm mộ nhưng anh chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đạt được. Anh chia sẻ về công việc thi đấu của mình: “Tôi luôn cố gắng đạt thành tích tốt nhất trong các cuộc thi. Tuy nhiên, trong thể thao thì phong độ cũng có lúc lên xuống, sự may mắn và thời điểm thi đấu cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả. Mỗi năm nhìn lại thì tôi thấy mình đều có tiến bộ ít nhiều dù đôi khi kết quả không được như mong muốn. Có thể nói giai đoạn từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 là thời gian tôi thi đấu tốt nhất và có kết quả cao nhất. Có thể kết quả thi đấu trong thời gian gần đây không được khả quan lắm nhưng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thể cho mọi người thấy sự tiến bộ của mình bằng những thành quả rõ ràng”. Một thay đổi rõ ràng trong lối chơi của Duy Nhất chính là tâm lý thi đấu đã tốt hơn nhiều. Anh nói rằng khi thi đấu anh không bị quá phấn khích khi có cú đánh tốt hay bực bội thất vọng khi đánh hỏng. Thay vào đó, anh luôn bình tĩnh tính toán từng cú đánh trên sân để đạt được kết quả tốt nhất.

Thời gian dành cho gia đình là quý nhất

Duy Nhất bắt đầu đi du học từ năm 12 tuổi tại New Zealand và sau đó là Mỹ. Khi đã trở thành một vận động viên thực thụ, anh vẫn dành phần lớn thời gian trong năm để đi thi đấu ở nhiều nơi trên thế giới. “Thành thật mà nói, đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi thiệt thòi vì không có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè. Trong giai đoạn mới chuyển sang chuyên nghiệp, tôi thường phải thi đấu 25 – 30 giải mỗi năm và mỗi giải thường kéo dài khoảng một tuần”, Duy Nhất tâm sự. Đôi khi, để đạt được một mục tiêu trong cuộc sống, bạn buộc phải đánh đổi, hy sinh những thứ khác. Và sự hy sinh của các vận động viên chuyên nghiệp là tình cảm, thời gian dành cho gia đình và người thân.

“Vài năm gần đây tôi đã giảm bớt lịch thi đấu lại và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Mà tôi thấy mình cũng đã hơi già rồi nên không còn sung sức như lúc trước nữa”, anh nói tiếp. Người đời thường nói “cái gì ít thì mới quý” và điều này sẽ đúng với những khoảng thời gian ít ỏi bên người thân của các vận động viên chuyên nghiệp. Duy Nhất lý giải: “Tôi nghĩ rằng chính vì có ít thời gian ở cùng ba mẹ, bạn bè nên những khoảnh khắc ấy có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Nếu tôi là một nhân viên văn phòng hay người làm kinh doanh thì sẽ có nhiều thời gian ở bên gia đình, bạn bè hơn nhưng nó cũng sẽ trở nên bình thường và không còn quý giá nữa. Cá nhân tôi thấy ít đôi khi cũng tốt chứ không hẳn là điều xấu”.

Với sự đầu tư nghiêm túc và đúng đắn của gia đình, Trần Lê Duy Nhất đã phát triển tài năng golf của mình để trở thành golfer Việt Nam đầu tiên góp mặt trong những giải đấu danh tiếng tại châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, tình yêu golf và sự kiên trì học tập, rèn luyện của chính anh đã làm nên golfer chuyên nghiệp hôm nay. Các gia đình có điều kiện và mong muốn phát triển tài năng golf của con em mình rất nên tham khảo kinh nghiệm của Duy Nhất để Việt Nam có một lớp vận động viên kế thừa. Duy Nhất đã thể hiện mong muốn có nhiều bạn đồng hương cùng đi đánh giải quốc tế cho đỡ buồn. Hy vọng, trong thời gian tới, anh sẽ không còn phải độc hành trên con đường chuyên nghiệp và là golfer Việt Nam duy nhất trên bảng xếp hạng chuyên nghiệp châu Á và thế giới.

Golfedit.com (Theo tạp chí Esqire)

Tin liên quan: Tin tức

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi