Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao, 54 Việt Nam ký kết hợp tác về phát triển du lịch Golf
Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam, với khả năng đạt 17-18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Đây là kết quả quan trọng, hoàn thành những mục tiêu đề ra và những chỉ tiêu do Chính phủ giao, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước năm nay. Trong bối cảnh phục hồi này, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa. Trong số các sản phẩm du lịch mới, du lịch Golf và thể thao Golf là một lĩnh vực tuy còn mới mẻ nhưng rất tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Bùi Lượng
Trong quy hoạch du lịch quốc gia đến năm 2045, Golf được xác định là lĩnh vực có tiềm năng lớn, nhờ vào vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, và văn hóa độc đáo của Việt Nam. Đặc biệt, vị trí ven biển của Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thể thao mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao, có tiềm năng mở các sân Golf để thu hút người chơi lẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Dù số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện tại, Việt Nam có khoảng 100 sân Golf đang hoạt động, và dự kiến sẽ tăng lên 200 sân trong thời gian tới. Điều này khẳng định tiềm năng to lớn của Golf, đặc biệt khi Việt Nam đã 8 lần liên tiếp được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á" (2017-2024) với 2 lần được đạt giải "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới". Tuy nhiên, ngành Golf tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong quản lý, tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng phát triển chuyên nghiệp.
Để phát triển bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao nhiệm vụ cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, đề án phát triển Golf chuyên nghiệp. Trong đó, Tập đoàn 54 đã kết nối với Cục và đã đề xuất các giải pháp tư vấn phát triển Golf chuyên nghiệp tại Việt Nam, bao gồm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sân Golf, định hình chiến lược phát triển Golf quốc gia, và hỗ trợ tổ chức các sự kiện quốc tế. Đặc biệt, Tập đoàn 54 đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một hội nghị Golf quốc tế tại Thừa Thiên Huế vào năm 2025 nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển trong lĩnh vực này.
Ông Jed Moore - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn 54 phát biểu - Ảnh: Bùi Lượng
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với vai trò đầu mối chủ trì, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Tập đoàn 54 và các bên liên quan để triển khai những nội dung đề xuất. Quá trình làm việc sẽ được thực hiện khẩn trương, trách nhiệm, đảm bảo chất lượng để đáp ứng các mục tiêu phát triển Golf tại Việt Nam trong tương lai gần.
Các bên ký biên bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: Bùi Lượng
Thông tin về 54:
Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thể thao và giải trí, 54 sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp năm châu với 9 văn phòng đặt tại: Vương quốc Anh (London), Châu Âu (Sotogrande, Tây Ban Nha), Trung Đông và Bắc Phi (Riyadh, Saudi Arabia; Abu Dhabi và Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Châu Á - Thái Bình Dương (Singapore, Adelaide - Úc) và Hoa Kỳ (West Palm Beach, Florida).
Ở quy mô rộng hơn, Tập đoàn 54 tiếp tục hợp tác với các chủ sở hữu bản quyền trong nhiều môn thể thao, mang đến những tư duy đột phá để bảo đảm sự phát triển bền vững và nâng cao mô hình kinh doanh cũng như hoạt động. Gần đây nhất, Tập đoàn 54 đã đóng vai trò tư vấn chủ chốt, từ giai đoạn sáng lập đến khi vận hành LIV Golf, mang đến một luồng gió mới cho golf chuyên nghiệp hiện đại. Jed Moore là thành viên hội đồng quản trị của LIV Golf, và 54 với 9 văn phòng trên khắp 5 châu lục chịu trách nhiệm chủ trì tất cả các hoạt động truyền thông, tiếp thị, tổ chức giải đấu và sự kiện của LIV Golf trên toàn cầu.
GolfEdit.com
Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận.