Thứ 5, 21 Tháng 11 2024

"Golf ngoài là một môn thể thao thì nó cũng nên được xếp vào một bộ môn nghệ thuật'' - BLV Nam Giang

The Game
GolfEdit GolfEdit
August 13, 2024, 12:17 pm

Thi đấu giải: Thế khó của các thầy dạy golf Việt

Thi đấu giải: Thế khó của các thầy dạy golf Việt

Golf chuyên nghiệp đã được quan tâm từ rất lâu. Tuy nhiên để đánh dấu sự quy tụ đông đảo golfer tham dự giải đấu phải nói đến sự kiện Vietnam Masters năm 2017. Giải đấu có sự tham dự của gần 100 golfer là các vận động viên, các thầy dạy golf, các golfer không giữ tình trạng nghiệp dư và các golfer nghiệp dư. Sự kiện gây tiếng vang và nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng golfer chuyên nghiệp.

Trải qua 7 năm, thông qua nhiều giải đấu đã phát hiện ra nhiều tay golf chuyên nghiệp, non-amateur có thành tích tốt với các vòng đấu âm trong đó phải kể đến Nguyễn Hữu Quyết, Nguyễn Hồng Giang.. Giải đấu cũng là môi trường tôi luyện cho các golfer trẻ.

Mặc dù vậy golf chuyên nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức khi phần lớn các tay golf tham gia chiếm phần đa là các thầy dạy golf, các HLV, quản lý kinh doanh golf. Việt Nam vẫn chưa có nhiều các golfer là một vận động viên chuyên nghiệp thi đấu thuần túy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng phần lớn vẫn là câu chuyện ''cơm áo gạo tiền'' sống bằng nghề Golf. Có những yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan đang tác động đến chất lượng chuyên môn thi đấu giải nói chung mà chúng ta có thể thấy ở các thầy, HLV Golf. 

Yếu tố khách quan

Các HLV, thầy dạy Golf với chuyên môn chính là làm các công tác đào tạo, phát triển, xử lý tìm ra các vấn đề khó khăn của một người chơi golf ở trình độ khác nhau. Làm công tác về giảng dạy ở đó kỹ năng sư phạm, truyền tải và xây dựng đề cương phù hợp với học viên đòi hỏi các HLV sẽ có nhiều điều phải tập trung từ chi tiết đến tổng thể. Đương nhiên các HLV, thày dạy đều là những người có trình độ chơi golf tốt và chuyên môn cao, có chứng chỉ ưu tú được cấp bởi các tổ chức ngành nghề công nhận bởi pháp luật, nhà nước. Nhưng chính chức năng nhiệm vụ đó của họ lại khiến các HLV, thầy dạy gặp khó khi đi thi đấu, đặc biệt ở sự kiện có sự cạnh tranh cao.

Vấn đề không phải các thầy dạy, HLV không đủ tầm hay trình độ mà ở đây chính là việc tâm lý, sự chuẩn bị cũng như cách tiếp cận ở giải đấu golf cần yếu tố đặc trưng hoàn toàn khác. Một vận động viên thi đấu đơn thuần thì việc của họ sẽ là 'tập, ăn và tập', cả bộ não lúc đó sẽ chủ tâm đến chính cảm nhận và sự thích nghi của mình đến game đấu, chiến thuật cả giải. Trong khi các HLV, thầy dạy thì họ phải dậy, chỉnh, huấn luyện và nhìn swing quá nhiều học viên. Đương nhiên chẳng có thời gian tập luyện nhiều. Những yếu tố đó quá khó để các thầy dạy, HLV có thể đạt được thành tích tốt ở các giải đấu có tính cạnh tranh, dài ngày. 

Ngoài tính chất nghề nghiệp đặc thù thì việc không có nhiều giải đấu một cách thường xuyên cũng khiến cho các thầy dạy, HLV Việt Nam không có môi trường thi đấu cọ sát. Số tiền thưởng đạt được nhỏ hơn số tiền họ giảng dạy thì việc đánh đổi để đi thi đấu cũng là việc nhiều người cân nhắc. Rất nhiều người ban đầu đã thử sức nhưng không đạt được thành tích tốt. Và khi không qua cắt đồng nghĩa với mọi chi phí họ bỏ ra là tự phải bù vào vì không có tiền thưởng, chưa kể không ít các HLV, thầy dạy cần giữ 'hình ảnh' của mình nên dần bỏ không tham gia thi đấu. Rõ ràng việc các HLV, thầy dạy ở Việt Nam đi thi đấu vừa là ủng hộ phong trào phát triển golf chuyên nghiệp nhưng cũng là một sự 'dấn thân' đầy can đảm.

Yếu tố chủ quan

Nhưng một khi đã đăng ký thi đấu, tức là chấp nhận cuộc chơi thì lại lộ ra quá nhiều vấn đề mang yếu tố chủ quan từ không ít các HLV, các thầy dạy. Đó chính là thái độ tiếp cận ở giải đấu họ tham dự. Không phải tất cả nhưng vẫn có nhiều các golfer đi thi đấu giải nhưng sự chuẩn bị thực sự thiếu chuyên nghiệp. Thời gian tập luyện trước thềm giải không có nhiều, chưa kể vấn đề thể lực sức khoẻ cũng không được chú trọng. Không ít các HLV, các thầy dạy 'toang' ở ngay những vòng đầu. 

Nếu đi quan sát ở nhiều giải đấu VGA Tour thì thấy rất nhiều golfer không đọc yardage book hay đơn giản là không tận dụng tốt những lợi thế có sẵn. Nhiều vận động viên có tham gia vòng đấu tập nhưng không bao giờ ghi lại các chỉ số, tập thử ở những vị trí giả định, đặc biệt là các vị trí cờ khác nhau. Sự khoa học, yếu tố kỷ luật và cách tiếp cận trận đấu chưa tốt cũng khiến họ gặp khó khăn khi thi đấu. Nhiều vận động viên chơi 'ẩu, vội vàng'. Trên hết vẫn chính là thái độ của không ít người vẫn có tâm lý: tham gia cho vui rồi về đi dạy mà quên mất 'danh dự' vị trí xếp hạng ở một giải đấu lớn như giải quốc gia mới là điều quan trọng nhất. 

GolfEdit.com

7