Thứ 6, 29 Tháng 3 2024 Hà Nội °C

“Golf là trò chơi lạ lùng. Tôi mất gần 40 năm mới phát hiện ra rằng tôi không có khả năng chơi golf” - Ted Ray

Luật chơi golf

Trọng tài xử lý như thế nào ở tình huống mắc Triple Bogey của Trần Lê Duy Nhất

Trọng tài xử lý như thế nào ở tình huống mắc Triple Bogey của Trần Lê Duy Nhất

Theo đó tại hố số 5 PAR3, Trần Lê Duy Nhất thực hiện cú phát bóng mạnh vượt quá green găm vào thành bunker. Golfer chuyên nghiệp số 1 Việt Nam đã gọi trọng tài để hỏi việc này có được giải thoát không phạt cho búng lún không. Sau khi xem xét trọng tài đã đưa ra quyết định: bóng lún trong thành bunker nên người chơi không được giải thoát không phạt theo luật địa phương đã quy định tại giải.

Phát biểu sau giải đấu về tình huống trên, Trần Lê Duy Nhất cho biết anh tôn trọng quyết định của trọng tài nhưng cảm thấy không ''fair''. Vậy quyết định của tổ trọng tài về tình huống trên đã hợp lý. 

Dưới đây là những giải thích của Trọng tài Level 3 R&A Phan Ngọc Tâm về tình huống:

Để đến chi tiết xử lý trường hợp của Trần Lê Duy Nhất thì cần xem lại trong luật golf 2019, điều luật 16.3 cho phép người chơi được thực hiện giải thoát không phạt khi bóng bị lún trong khu vực chung (general area), với một vài chú ý và ngoại lệ. Người chơi có thể thả bóng trong khu vực giải thoát có kích thước 1 chiều dài gậy đo kể từ điểm tham chiếu nằm ngay sau bóng.

BunkerNhat1

Tùy vào thiết kế sân golf hoặc ở các giải đấu dành cho người chơi chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư trình độ cao, để tăng tính thách thức, Hội Đồng Giải có thể hạn chế việc giải thoát không phạt cho bóng lún bằng hai luật địa phương như sau:

1. Chỉ cho phép giải thoát không phạt khi bóng lún trong khu vực cỏ có độ cao bằng hoặc thấp hơn cỏ fairway (thông thường là khu vực fairway và cổ green – fringe/apron) (Luật địa phương mẫu F-2.1).

Điều này có nghĩa người chơi sẽ không được giải thoát không phạt khi bóng bị lún trong khu vực cỏ cao (rough), hoặc khu vực khác nằm bên ngoài fairway hoặc fringe/apron. Luật địa phương này đã được áp dụng ở các giải nghiệp dư nam, nữ & trẻ mở rộng (VAO, VLAO & VJO) 2019 ở sân KN Cam Ranh vừa qua.

2. Không cho phép giải thoát không phạt khi bóng lún ở thành cỏ hoặc đất của bẫy cát. (Luật Địa Phương Mẫu F-2.2).

Theo định nghĩa về bunker, thành bunker bằng cỏ (turf) hoặc đất (soil) không thuộc bunker, nên sẽ là một phần của khu vực chung. Khi bóng bị lún trong thành bunker, theo luật 16.3 người chơi sẽ được giải thoát không phạt. Tùy vào

a) vị trí, độ dốc và chiều cao cỏ của thành bunker,

b) vị trí bóng lún &

c) vị trí cờ, trong nhiều trường hợp, bóng sau khi giải thoát có thể sẽ nằm ở vị trí rất thuận lợi, thậm chí là trong khu vực cỏ cắt ngắn, cách xa vị trí bóng lún.

Do đó, luật địa phương này có thể được áp dụng để hạn chế việc người chơi có trình độ cao, sau cú đánh (không tốt) làm bóng lún vào thành bunker, lại được giải thoát không phạt vào vị trí thuận lợi cho cú đánh tiếp theo. Các hệ thống tour chuyên nghiệp lớn trên thế giới (PGA Tour, European Tour, Asian Tour …) đều sử dụng luật địa phương này. Luật địa phương này cũng được áp dụng trong hệ thống các giải đấu nghiệp dư (VAO, VLAO, VJO, VSC, VMC, VCC …) và chuyên nghiệp (VPG Tour, VPGA Tour) ở Việt Nam.

Nguyên gốc tiếng Anh của Luật Địa Phương Mẫu F-2.2 là “Free relief is not allowed when a ball is embedded in stacked turf faces/ soil faces above bunkers”. Khi nói đến stacked turf face (thành cỏ) & stacked soil face (thành đất), nhiều người sẽ hình dung ngay đến các bẫy cát dạng cái bình (pot bunkers) đặc trưng của các sân golf dạng links (hình 2). Thực ra, để xác định một khu vực sân có phải là thành bunker hay không, theo giải thích của R&A, cần xem xét đến việc thiết kế và xây dựng bunker đó.

Đối với các sân ở Việt Nam, stacked turf faces tương đối phổ biến hơn là stacked soil faces. Tùy vào địa hình và cách bảo dưỡng sân, một số thành bunker trông rất giống khu vực cỏ xung quanh nên rất khó phân biệt đâu là thành bunker, dẫn đến việc khi bóng lún trong khu vực này, người chơi thường nghĩ là bóng lún trong khu vực chung không thuộc thành bunker, đồng nghĩa với việc được giải thoát không phạt.

Ở các giải đấu trong nước có áp dụng luật địa phương này, một trong những công việc của đội ngũ trọng tài trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu là làm việc với sân golf nhằm làm rõ ranh giới bunker, thành bunker etc… để có thể đưa ra cách xử lí chính xác nhất trong các tình huống liên quan. Ở tình huống trên, trọng tài đã xử lí rất rõ ràng và chính xác theo luật địa phương F-2.2: bóng lún trong thành bunker nên người chơi không được giải thoát không phạt.

a. Trong tình huống nói trên, nếu không có luật địa phương F-2.2, Trần Lê Duy Nhất sẽ được giải thoát không phạt. Xem hình dưới phần tô màu cam là khu vực giải thoát. Với độ dốc và cỏ ngắn ở thành bunker ở đây, vị trí cuối cùng mà bóng có thể nằm yên sau khi giải thoát của Nhất có thể sẽ nằm ở góc bên phải hình (theo hướng mũi tên màu đỏ), ở vị trí tương đối thuận lợi cho cú đánh tiếp theo.

BunkerNhat

Khu vực bóng của Trần Lê Duy Nhất bị găm vào thành bunker (Ảnh: K+)

b. Cũng ở tình huống nói trên, khi không được giải thoát không phạt, ngoài việc đánh bóng tại chỗ như Trần Lê Duy Nhất đã làm, người chơi có thể chọn giải pháp tuyên bố bóng không đánh được (unplayable ball), chấp nhận chịu một gậy phạt. Khi đó, do bóng đang nằm trong khu vực chung, người chơi có thể chọn một trong các giải pháp giải thoát của luật 19.2 để thả bóng ở vị trí thuận lợi cho cú đánh tiếp theo. Trong tình huống 1 ở trên, người chơi có bóng lún ở thành bunker đã chọn giải pháp giải thoát theo luật 19.2, thả bóng trên đường thẳng kéo dài ra phía sau, ở vị trí cỏ cắt ngắn và thực hiện cú đánh tiếp theo rất tốt.

GolfEDIT.com (trích theo group Hội đồng trọng tài Golf Việt Nam)

Tin liên quan: Luật chơi golf

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi