Thứ 7, 14 Tháng 12 2024

“Đứng chơi golf quá nhiều. Hai vòng mỗi ngày là đủ rồi” - Harry Vardon

Dụng cụ golf
GolfEdit GolfEdit
May 05, 2015, 1:13 am

5 thông số cơ bản về gậy Driver cần biết

5 thông số cơ bản về gậy Driver cần biết

Gậy Driver được coi là quả bom nguyên tử trong kho vũ khí của bạn nếu như bạn dùng nó hiệu quả. Bằng không, nó sẽ trở thành cỗ máy khuếch đại sai lầm. Gậy driver có bề mặt phẳng nhất vì nó được thiết kế để đánh bóng đi xa. Bề mặt phẳng của gậy cho phép bóng bay với góc nhỏ nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng của sức gió. Đó là lý do vì sao nó có sức mạnh khủng khiếp và khoảng cách đáng gờm như vậy nếu như được dùng đúng cách. Tuy nhiên, đó lại là cây gậy khó sử dụng nhất trong túi gậy bởi độ dài của nó thường làm nó khó kiểm soát hơn những cây gậy khác. Đây cũng là nguyên nhân những người mới tập chơi nên dùng gậy 3 gỗ hoặc gậy 5 gỗ. Dưới đây là những điều cơ bản cần biết về cây gậy Driver:


1, Thiết kế đầu gậy và độ lolf

Một hãng sản xuất dụng cụ đều có những nghiên cứu riêng và lý thuyết riêng khi thiết kế driver. Những thay đổi dù rất nhỏ đều có thể mang tới những cải thiện lớn về đường bóng. Tất nhiên sẽ không có một thiết kế đầu gậy phù hợp với tất cả các golfer vì đơn giản không phải ai cũng swing như nhau, nhưng ngày nay việc đầu gậy có thể tháo rời khỏi cán không còn xa lạ và điều này mang đến cho golfer nhiều lựa chọn và tinh chỉnh riêng cho cú swing của mình.

Nhắc đến độ lolf- độ mở mặt gậy, một điều các golfer hay hiểu lầm nhất đó là mặt gậy càng mở thì đường bóng càng cao và khoảng cách sẽ càng ngắn đi. Điều này hoàn toàn không đúng vì khoảng cách là kết quả của 3 yếu tố quan trọng nhất trong đường bóng là độ phóng (launch angle), độ xoáy (spin) và tốc độ bóng (ball speed). Không quá đi sâu vào chi tiết, nhưng nhìn chung độ lolf nhiều sẽ giúp đường bóng cất lên cao hơn và xoáy nhiều hơn, và rất nhiều golfer cần điều này để có được khoảng cách tối ưu và an toàn nhất. Một số PGA Tour player như Webb Simpson, Dustin Johnson hay Henrik Stenson đều đang sử dụng đầu gậy driver 10.5.

2, Chiều dài cán gậy

Đôi khi các golfer không để ý tới chiều dài cán gậy nhưng thực tế nó có thể quan trọng hơn chúng ta nghĩ. Về lý thuyết , cán gậy dài sẽ có khả năng đưa bóng đi xa hơn do tốc độ đầu gậy nhanh hơn, nhưng điều này chỉ đúng khi golfer có kĩ thuật tốt để bóng tiếp xúc tại điểm tốt nhất trên mặt gậy. Chiều dài gậy ngắn hơn sẽ giúp các golfer đánh trúng chính giữa nhiều hơn và tăng sự ổn định trong cú phát bóng. Mặt khác, chiều dài cán gậy sẽ ảnh hưởng tới tư thế setup và có nhiều cú đánh hỏng xuất phát từ việc setup chưa tốt. Chiều dài phổ biến của gậy driver thường là 45 inch, tuy nhiên các hãng khác nhau sẽ có tiêu chuẩn khác nhau và có thể lên tới 46 inch

3, Độ cứng cán gậy

Độ cứng (flex) là một trong những yếu tố quan trọng nhất của cán gậy giúp chúng ta thực sự cảm nhận được cả cây gậy trong khi swing. Thông số này thường được kí hiệu trên cán gậy theo thứ tự từ mềm đến cứng như sau: L (Ladies – nữ), A (Amateur/senior- nghiệp dư/trung niên), R (Regular- phổ thông), SR (Stiff Regular-cứng trung bình), S (Stiff-cứng) và X (Extra stiff-cứng hơn). Nhìn chung các golfer mới chơi sẽ thiên về sử dụng các loại cán mềm phổ thông và những golfer có tốc độ đầu gậy cao sẽ phù hợp hơn với các loại cán cứng. Không phải hãng nào cũng sản xuất một loại cán với tất cả các flex và quan trọng hơn cả là không phải những cán gậy được kí hiệu như nhau cũng sẽ cứng như nhau. Nói một cách khác, cán gậy R của hãng này có thể cứng tương đương cán gậy S của hãng khác và ngược lại, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chuẩn các hãng đưa ra cho từng dòng sản phẩm của họ. Cách chắc chắn nhất để các golfer biết độ cứng nào phù hợp với mình đó là đến gặp các chuyên gia của hãng để được tư vấn và dùng thử các loại cán gậy khác nhau

4, Trọng lượng cán gậy

Chúng ta thường có thói quen nhìn lên cán gậy để xem độ nặng, tuy nhiên không phải hãng sản xuất cán gậy nào cũng ghi chính xác thông số đó lên cán gậy. Phần lớn các hãng chỉ ghi thông số chung của series cho chiều dài tiêu chuẩn của họ và độ nặng chính xác sẽ khác nhau vài gram giữa các flex. Cán gậy driver thường chỉ nặng khoảng 55-60g do làm bằng chất liệu graphite nhẹ và phù hợp với số đông golfer. Những cán gậy ngoài 65g thường chỉ phù hợp với các golfer có tốc độ đầu gậy lớn và nhịp điệu nhanh. Nhìn chung cán gậy càng nặng sẽ càng làm giảm tốc độ di chuyển của đầu gậy và ngược lại.

5, Độ xoắn của cán gậy

Một thông số khác ít được nhiều người để ý đến hơn đó là độ xoắn của cán gậy hay còn gọi là độ torque. Torque được tính bằng độ và hiểu nôm na torque chỉ khả năng chống lại lực xoắn do đầu gậy tạo ra với cán gậy trong khi di chuyển. Torque không ảnh hưởng nhiều tới độ cao của đường bóng nhưng tác động không nhỏ tới hướng bóng cất lên. Về cảm nhận, những cán gậy có độ torque thấp (3.5* trở xuống) sẽ khiến golfer cảm thấy cứng hơn so với cán gậy với độ torque trung bình (4*-5*) hoặc cao (5*trở lên), nên các nhà sản xuất thường thiết kế những cán gậy có flex cứng đi kèm với torque thấp và flex mềm với độ torque cao

Theo VietnamGolfMagazine

7