Thứ 6, 03 Tháng 1 2025

“Nếu bạn ở trên sân golf vào lúc giông bão và sợ sét đánh, hãy cầm gậy sắt số 1 lên. Ngay cả đến trời cũng không đánh được gậy sắt số 1 đâu” - Lee Trevino

Dụng cụ golf
GolfEdit GolfEdit
July 03, 2014, 3:57 am

Cách lựa chọn gậy sắt

Cách lựa chọn gậy sắt

Những bộ gậy sắt ngày nay được thiết kế cho từng nhóm người chơi nhất định, do đó rất sai lầm nếu bạn lựa chọn bộ gậy sắt chỉ dựa vào hình thức, giá cả hay mức độ phổ biến. Tuy nhiên để chọn được một bộ gậy sắt phù hợp với mình không dễ dàng chút nào do sự đa dạng và phong phú của các loại gậy sắt hiện nay trên thị trường, bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại gậy sắt cũng như giúp bạn chọn được bộ gậy phù hợp với mình. Bài viết chia làm 2 phần chính, phần thứ nhất giới thiệu về các cách chế tạo gậy sắt và kiểu thiết kế, phần thứ hai sẽ đi sâu vào phân tích những yếu tố bạn nên xem xét để chọn một bộ gậy phù hợp với mình

Phần 1

1. Các cách chế tạo gậy sắt

Rèn (Forged)

Rèn một chiếc gậy sắt cũng tương tự như công việc của một người thợ rèn thường làm. Kim loại được đặt vào một cái khuôn thô và dùng búa đập cho đến khi thu được một kiểu dáng mong muốn. Kết quả của bước đầu tiên này là một chiếc đầu gậy thô với chất liệu thép carbon hoặc crôm. Tiếp theo là quá trình mài giũa, xẻ rãnh bề mặt gậy và tinh chỉnh, tạo ra một đầu gậy hoàn thiện. Loại gậy sắt rèn phù hợp với người chơi giỏi, những người đòi hỏi khả năng điều khiển cao.

Đúc (Cast)

Phương pháp thứ hai để sản xuất gậy sắt là đúc. Quy trình sản xuất này bao gồm việc rót kim loại lỏng vào một chiếc khuôn. Việc sản xuất sử dụng khuôn giúp cho nhà sản xuất có thể tạo ra nhiều thiết kế đầu gậy phức tạp. Do đó gậy sắt được sản xuất bằng phương pháp này phù hợp với những kiểu thiết kế phức tạp hiện nay như perimeter weighted (đầu gậy lõm ở giữa, trọng lượng của đầu gậy dồn hết ra xung quanh phía ngoài). Kiểu chế tạo này dễ hơn và rẻ hơn so với phương thức rèn.

2. Các kiểu thiết kế gậy sắt

Blade (Thiết kế kiểu lưỡi kiếm)

Gậy sắt thiết kế kiểu blade có khu vực đánh nhỏ cộng với đầu gậy mỏng. Loại gậy này phân bố trọng lượng đồng đều trên toàn bộ đầu gậy, tạo ra khu vực “sweet spot” (khu vực tạo cảm giác bóng tốt) khá là nhỏ ở trung tâm bề mặt gậy. Với thiết kế này, những cú đánh vào vùng trung tâm mặt gậy sẽ có quĩ đạo xa và thẳng, còn những cú đánh lệch khỏi trung tâm sẽ có quỹ đạo ngắn và không lường trước được

Loại gậy này tạo ra cảm giác rất tốt khi đánh và phù hợp với những người chơi giỏi, những người ưa thích gậy có khả năng điều khiển cao.

Cavity Back (Loại gậy sắt có khoang rỗng ở phía sau mặt gậy)

Kiểu thiết kế thứ hai là kiểu cavity back, đối với kiểu thiết kế này trọng lượng đầu gậy không được phân bố đồng đều mà dồn hết ra phía chu vi đầu gậy, do trọng lượng dồn hết ra phía ngoài nên phía sau mặt gậy sẽ có khoang rỗng. Xem hình minh họa

Kiểu thiết kế này sẽ giúp cho gậy ổn định hơn đối với những cú đánh lệch trung tâm bề mặt gậy, đường bóng bay dài hơn và thẳng hơn so với những cú đánh lệch khi sử dụng gậy sắt blade. Tuy nhiên độ ổn định tăng lên sẽ làm giảm cảm giác của gậy. Do đó loại gậy này chỉ thích hợp với những người mới chơi hoặc chơi không thường xuyên. Những người chơi chuyên nghiệp thường không chọn loại này.

3. Thân gậy

Có 2 kiểu chất liệu để làm thân gậy: thép và graphite. Dưới đây là một số điểm khác nhau giữa 2 chất liệu này để bạn cân nhắc khi chọn thép hay graphite

Ưu điểm của thân gậy làm bằng thép (thép carbon hoặc thép nguyên chất) là bền hơn so với thân gậy làm bằng graphite. Giá thành lại thấp hơn, do đó cùng một bộ gậy sắt nhưng bộ gậy có thân làm bằng thép sẽ rẻ hơn bộ gậy có thân làm bằng graphite.

Thân gậy graphite truyền ít rung động lên tay người chơi hơn so với thân gậy thép. Điều này có thể tốt hay xấu tùy thuộc vào kĩ năng người chơi. Có nhiều người chơi lại muốn có cái cảm giác rung động đó sau khi tác động vào bóng, nhưng cũng có nhiều người lại ghét cái cảm giác tay bị rung sau mỗi cú đánh trượt.

Ưu điểm lớn nhất của thân gậy graphite là trọng lượng nhẹ hơn so với thân gậy thép. Do trọng lượng nhẹ hơn, những người sử dụng thân gậy graphite sẽ nâng cao được tốc độ vung của mình thêm từ 0.9 đến 1.8 mét/giây, dẫn đến khoảng cách đánh có thể xa thêm từ 6-12 yards so với khi dùng thân gậy thép.

Do trọng lượng nhẹ, gậy graphite không tạo được cảm giác điều khiển cao có được do thân gậy thép nặng hơn mang lại.

Tóm lại nếu khoảng cách là yêu cầu quan trọng nhất của bạn, rõ ràng bạn nên chọn sử dụng thân gậy graphite. Ngược lại nếu khoảng cách không phải là vấn đề quan trọng nhất (do bạn đã có sẵn tốc độ vung gậy nhanh) và bạn thích có được cảm giác bóng tốt, thân gậy thép là một lựa chọn tốt hơn.

Phần 2

Khi lựa chọn một bộ gậy sắt, có ba yếu tố quan trọng bạn cần phải cân nhắc: Quỹ đạo (Trajectory), Ổn định (Forgiveness), và Điều khiển (Workability).

Quỹ đạo (Trajectory)
Quỹ đạo là yếu tố cần cân nhắc trước tiên. Nếu bạn không thể đánh trái bóng bay lên được thì hai yếu tố còn lại trở nên vô nghĩa. Bạn có phải là kiểu người chơi hay gặp khó khăn trong việc đưa bóng lên cao không ? Nếu đúng thì một bộ gậy sắt với chỉ số Quỹ đạo cao là cần thiết cho bạn. Gậy sắt với chỉ số Quỹ đạo cao luôn có trọng tâm của đầu gậy rất thấp và có offset lớn. Thiết kế này đặt trọng tâm của đầu gậy thấp và lùi về phía sau so với thân gậy, giúp cho việc đưa bóng lên cao được dễ dàng cũng như tạo thêm độ xoáy. Những người chơi golf có tốc độ vung gậy chậm (nhất là những người mới chơi) là những người phù hợp nhất với loại gậy sắt có chỉ số Quỹ đạo cao. Những đặc tính kĩ thuật khác bạn nên lưu ý khi tìm mua loại gậy có Quỹ đạo cao là đế của đầu gậy (sole) rộng và dài, chiều cao của bề mặt gậy (face height) thấp, và đầu gậy có thiết kế Cavity Back.

Những người chơi golf trên trung bình hoặc giỏi thường ưa thích loại iron có chỉ số Quỹ đạo trung bình hoặc thấp vì loại iron này giúp họ điều khiển đường đi của bóng dễ dàng hơn

Ổn định (Forgiveness)
Sau khi bạn đã chọn được loại gậy có chỉ số Quỹ đạo phù hợp với mình, yếu tố tiếp theo cần cân nhắc là chỉ số Ổn định (Forgiveness) của đầu gậy. Một gậy sắt có chỉ số Ổn định cao sẽ có thông số MOI cao, ngược lại chỉ số Ổn định thấp sẽ có thông số MOI thấp. MOI là một thuật ngữ chỉ khả năng chống lại sự xoay của đầu gậy khi bóng tác động lệch ra khỏi trung tâm của mặt gậy. Nếu bóng tác động vào đúng trung tâm của bề mặt gậy thì đầu gậy sẽ không bị xoay, tuy nhiên khi bạn vung gậy hơi lệch và đánh bóng lệch ra khỏi trung tâm thì một đầu gậy với thông số MOI cao sẽ bị xoay ít hơn, giúp cho trái bóng vẫn có khả năng bay đúng hướng định đánh, khoảng cách bay của bóng cũng bị giảm đi ít hơn. Phần lớn người chơi golf không ít thì nhiều có xu hướng đánh bóng lệch ra khỏi trung tâm mặt và do đó nên chọn loại gậy có chỉ số Ổn định trung bình hoặc cao. Những loại gậy này thường có thiết kế đầu gậy kiểu Cavity Back. Kích cỡ khu vực lõm ở phía sau đầu gậy càng lớn thì chỉ số Ổn định càng cao, giúp cho gậy vẫn ổn định đối với những cú đánh lệch trọng tâm.

Đối với những người chơi chuyên nghiệp với khả năng thường xuyên đánh bóng trúng khu vực trung tâm mặt gậy thì gậy có chỉ số Ổn định thấp lại là một lựa chọn thích hợp do nó đem lại khả năng điều khiển rất cao, loại gậy này thường có thiết kế đầu gậy kiểu Blade – nhỏ và mỏng.

Điều khiển (Workability)

Yếu tố thứ 3 cần cân nhắc là khả năng điều khiển của gậy (Workability). Rất nhiều người chơi lẫn lộn giữa chỉ số Ổn định và Điều khiển. Chỉ số Ổn định của gậy sắt phản ánh độ ổn định của gậy đối với nhứng cú đánh lệch trung tâm mặt gây, trong khi đó chỉ số Điều khiển phản ánh khả năng điều chỉnh đường bay của bóng một cách chủ động.

Kết quả của một cú đánh lệch trung tâm bề mặt gậy sẽ là một quỹ đạo bóng lệch sang trái hoặc sang phải. Tuy nhiên nếu người chơi muốn chủ động đánh lệch sang trái hoặc sang phải thì kĩ thuật cần thực hiện không phải là đánh vào bóng lệch trung tâm mà là vẫn tác động vào bóng tại trung tâm mặt gậy nhưng thay đổi góc của mặt gậy khi tiếp xúc với bóng và đường vung của gậy. Những gậy có chỉ số Điều khiển cao sẽ giúp người chơi dễ dàng điều khiển được quỹ đạo của trái bóng theo ý của mình. Khả năng Điều khiển của gậy phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ nhất là trọng tâm đầu gậy, nếu trọng tâm đầu gậy nằm gần về phía cổ gậy (hosel) thì sẽ giúp cho việc xoay bề mặt gậy dễ dàng hơn, còn nếu trọng tâm nằm xa cổ gậy về phía mũi của đầu gậy thì sẽ rất khó xoay đầu gậy theo ý của mình.

Sau đây là một ví dụ để các bạn dễ hiểu hơn khái niệm trên. Nếu bạn treo một xô nước ở tay cầm của một chiếc cửa ra vào thì trọng lượng của xô nước sẽ khiến cho việc mở đóng cửa khó khăn hơn. Tuy nhiên nếu bạn treo xô nước ở phía bản lề của cửa thì việc mở đóng cửa sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cánh cửa ở đây đóng vai trò đầu gậy, còn xô nước đóng vai trò trọng tâm của đầu gậy.

Thiết kế trọng tâm đầu gậy nằm xa cổ gậy và gần về phía mũi đầu gậy chính là thiết kế giúp nâng cao chỉ số Ổn định của gậy. Như vậy bạn có thể thấy Ổn định và Điều khiển là hai yếu tố ngược nhau. Khả năng Điều khiển càng cao thì độ Ổn định càng thấp. Do đó gậy có chỉ số Điều khiển cao chỉ phù hợp với những người chơi giỏi.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến khả năng Điều khiển của gậy là phần offset ở cổ gậy. Những gậy sắt không có offset hoặc có offset rất thấp – thường là loại gậy sắt có thiết kế blade hoặc cavity back với phần lõm phía sau rất nhỏ sẽ có chỉ số Điều khiển cao, nhất là khi kết hợp với thiết kế trọng tâm nằm gần cổ gậy. Offset càng lớn thì chỉ số Điều khiển tiến dần lên trung bình rồi thấp. Những gậy có chỉ số Điều khiển thấp phù hợp với người mới chơi.

Sưu tầm

4