Thứ 6, 19 Tháng 4 2024 Hà Nội °C

"Nếu bạn cảm thấy thương hại ai đó trong trận đấu thì hãy về nhà. Bởi nếu bạn không thắng họ, họ sẽ thắng bạn" - Seve Ballesteros

Câu chuyện

Nhiều sân golf xin miễn, giảm thuế TTĐB, thuế đất

Nhiều sân golf xin miễn, giảm thuế TTĐB, thuế đất

Tham dự buổi hội thảo này có Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Tổng cục trưởng TCTDTT Lê Hồng Minh, đại diện các sân golf khu vực phía Bắc đã tham dự. Bên cạnh đó các đơn vị, báo chí khách mời không góp mặt có thể theo dõi trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đánh giá cao về sự phát triển và những đóng góp của Golf Việt Nam trong thời gian qua. Tất cả được thể hiện qua việc tăng trưởng số lượng sân golf, người chơi, hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp - nghiệp dư - phong trào lớn nhỏ. Bên cạnh đó ngành du lịch Golf đã bắt kịp xu thế để thu hút đông khách quốc tế cùng các tay golf đến tham quan, du lịch và tham gia thi đấu góp phần tạo nên Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh những khó khăn mà ngành Du lịch Việt Nam cũng như ngành Golf đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cần có những giải pháp tức thời cũng như lâu dài để gìn giữ những thành quả đạt được bao nhiêu năm qua.

Photc

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch, Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Du Lịch)

Đại diện đơn vị tổ chức sự kiện là VGA, phó TTK Hiệp Golf Việt Nam ông Phạm Thành Trí chia sẻ: ''Đây là hội thảo vô cùng cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Golf ở Việt Nam. Chúng tôi đã nhận rất nhiều kiến nghị của các sân nhằm xin Chính phủ hỗ trợ các DN Golf ở Việt Nam để cùng vượt qua đại dịch Covid. Trước mắt đó là việc giảm, tiến tới miễn thuế TT Đặc Biệt cho các đơn vị kinh doanh Golf".

Phó Tổng cục trưởng TCDL ông Ngô Hoài Chung nhất trí với đề xuất của Hiệp hội golf Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp golf. Ngành Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Golf Việt Nam để biến những đề xuất thành hành động thực tiễn.

Những khó khăn của doanh nghiệp Golf cần được tháo gỡ:

Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng giám đốc công ty FLC Biscom nói: "Với tôi Golf là một trong những bộ môn đóng góp nhiều lợi ích lớn cho xã hội hơn rất nhiều các môn khác. Giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm cho địa phương. Người chơi sử dụng nguồn lực cá nhân mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ nhà nước. Tính xã hội hóa của bộ môn golf này rất cao. Tập đoàn FLC cũng như công ty FLC Biscom trong thời gian qua luôn là đơn vị tiên phong hỗ trợ phát triển golf. Thông qua các giải đấu chất lượng nhằm thu hút đông đảo người chơi mới vào bộ môn golf này. Nhưng đại dịch Covid 19 diễn ra đã khiến cho những sân golf của chúng tôi, được xây dựng ở những vùng đất xa xôi gặp vô vàn khó khăn. Hãng hàng không của tập đoàn chúng tôi là Bamboo Airways cũng chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch này. Đây là thời điểm chúng tôi rất cần nêu lên tiếng nói của mình, cùng VGA kiến nghị những giải pháp hỗ trợ DN Golf như FLC".

Ông Trần Ngọc Hải, TGĐ Công ty CP Đầu tư Long Biên: "Khách du lịch Hàn Quốc giảm mạnh và gần như không có đã ảnh hưởng quá lớn đến nhiều sân golf trong đó có chúng tôi. Khi dịch bệnh Covid 19 được phần nào kiểm soát thì thời tiết bước vào mùa nóng, số người chơi cũng giảm sút đi nhiều. Bên cạnh đó để đẩy mạnh các biện pháp chống dịch Covid thì chúng tôi đồng nghĩa với việc phải cắt giảm rất nhiều các dịch vụ từ nhà hàng ăn, tổ chức tiệc... Mặc dù có lợi thế là sân golf nằm trong trung tâm thành phố nhưng chúng tôi cũng đang trải qua những tháng ngày khó khăn nhất kể từ khi thành lập".

Ông Mark Reeves, Giám đốc Thương hiệu Tập đoàn BRG: "Golf tốt cho mọi người, cho cả xã hội. Nguồn đóng góp mà Golf mang lại là rất lớn, đặc biệt là phát triển du lịch. Tuy nhiên để thúc đẩy nhiều người chơi golf hơn nữa thì giá golf chơi golf cần phải giảm. Mà để giá chơi golf giảm thì những mức thuế áp dụng từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế đất cho doan nghiệp sân golf phải giảm xuống. Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển golf trong khu vực. Chúng ta cần giữ nhịp tăng trưởng để giúp ngành Golf tiến xa hơn nữa".

Một khó khăn khác đó chính là vấn đề về nhân sự, theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Quang - chủ tịch sân golf Yên Dũng, Bắc Giang: ''Vào các tháng 3-4 khi sân golf phải đóng cửa, thì cũng giống như các sân golf khác, chúng tôi vẫn phải phải bảo trì, bảo dưỡng, doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế, vẫn phải trả lương cho người lao động. Nhưng chính chúng tôi cũng gặp khó khăn ngay về vấn đề nhân sự khi cắt giảm chi phí nhân công khiến cho một số lượng lớn caddie đã chuyển sang các khu công nghiệp của tỉnh để làm việc. Công sức đào tạo nhân lực và con người một lần nữa lại phải trở vạch xuất phát. Để hỗ trợ doanh nghiệp golf, Hiệp hội nên thành lập tiểu ban sân bãi để tăng cường kết nối, cần trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng vượt khó”.

Tổng giám đốc sân golf Đầm Vạc, ông Vũ Duy Thành: "Các sân golf ở miền Bắc vừa qua phải chứng kiến một khủng hoảng kép, một bên là đại dịch Covid 19, một bên là thiên tai. Những trận mưa lớn đã khiến cho sân Đầm Vạc ngoài chi phí bảo trì bảo dưỡng ra còn phải thay thế, làm lại nhiều khu vực sân bị hỏng do ngập úng. Cây cối gãy đổ và nhiều thiệt hại khác do thời tiết cực đoan gây ra. Người chơi ít đi, chí phí tăng lên cùng với những thảm họa cùng ập đến khiến cho chúng tôi đang phải oằn mình chống đỡ. Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, từ việc giảm thuế TTĐB từ Chính Phủ, việc các sân golf bị đóng cửa cũng dễ xảy ra".

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đồng tình vấn đề thuế đang áp dụng đối với golf ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng chung đến hoạt động kinh doanh. Theo ông Phạm Thành Trí, với sự phát triển mạnh mẽ của golf cả về phong trào và thành tích cao, golf Việt Nam cần có sự quan tâm, tạo đà để có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trước mắt là những hỗ trợ để vượt qua đại dịch Covid 19 bằng việc xem xét giảm tiến tới bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với Golf. Nếu vẫn duy trì ở mức thuế cao như hiện tại, thì golf sẽ vẫn luôn là bộ môn xa xỉ, không phải ai cũng tiếp cận được. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Golf sẽ cạn vốn duy trì hoạt động và có thể dẫn tới hệ lụy khôn lường. Golf đã được coi là môn thể thao theo Nghị định 69/NĐ-CP/2008 về ưu đãi cho Thể thao. Do đó Golf cũng cần được hưởng lợi các chính sách từ thuế TTĐB, thuế đất như các bộ môn khác.

Một số thông tin thêm từ Hội Thảo:

Sân golf và sân tập

Theo danh sách quy hoạch, dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có 200 sân golf. Hiện tại có 75 sân golf 18 lỗ đã đi vào hoạt động; 50 sân golf đang được xây dựng; 30 sân golf được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư; 50 sân golf được chấp nhận chủ trương đầu tư. Đồng thời có 20 sân tập golf đang xây dựng; 20 sân tập golf được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư; 10 sân tập golf được chấp nhận chủ trương đầu tư.

Thủ tướng chính phủ đã ra Nghị định 52/NĐ-CP xây dựng và kinh doanh sân golf vào 4/2020, từ đó các thủ tục về xây dựng sân golf đã đơn giản hơn rất nhiều. HHGVN đang làm việc với các cơ quan chức năng, đề xuất, đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đang áp dụng cho môn thể thao golf. Nếu sớm được áp dụng thì chi phí cho môn thể thao này sẽ giảm đi rất nhiều từ đó sẽ có thêm hàng chục nghìn người chơi golf hàng năm.

Số lượng người chơi golf

Số lượng người chơi golf tại Việt Nam hiện nay có khoảng trên 50.000 là người Việt Nam và 20.000 là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Hàng năm có khoảng 1 triệu khách du lịch Hàn quốc và hàng trăm nghìn khách du lịch nước ngoài khác chơi golf ở Việt Nam.

Chúng ta có thể dự đoán rằng với sự phát triển như hiện nay, số lượng những người chơi golf ở nước ta sẽ đạt con số 100.000 người trong vài năm nữa. Đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người chơi golf ở mọi cấp bậc.

GolfEdit.com

Tin liên quan: Câu chuyện

Tin gợi ý

Hội Golf đồng hành

golfedit
golfedit
golfedit
golfedit
golfedit

Đối tác

golfedit
@2012 Bản quyền bởi GolfEdit.com
Phát triển bởi